Lại có hiện tượng buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc

author 16:14 06/09/2021

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu 24 cơ sở sản xuất thuốc trên toàn quốc báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu.

Theo văn bản này, Cục Quản lý Dược cho biết đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc gồm 4 loại gồm: Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của các cơ sở sản xuất thuốc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.

Khi đồng ý nhập khẩu cho các đơn hàng, Cục Quản lý Dược ghi rõ cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường. Các cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành Việt Nam.

Cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ buôn bán thuốc gắn mác điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa. 

Để tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực dược, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích theo công văn đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của Cục Quản lý Dược.

Các cơ sở thực hiện việc báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi (tăng, giảm) về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) trên trang điện tử dichvucongdav.gov.vn và gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu theo mẫu hoặc khi có sự thay đổi so với lần báo cáo trước.

Theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 57 và điểm c, khoản 8, Điều 57 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi sản xuất và đưa ra lưu hành tại Việt Nam thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, trừ trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải đăng ký trước khi lưu hành theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng.

Trước đó, đã xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng bối cảnh dịch Covid-19 đã tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng viêm, kháng Covid-19.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đã liên tục có cảnh báo các loại thực phẩm chức năng như thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học... không có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị bệnh Covid-19. Các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định như trên.

Để tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để trục lợi, đồng thời tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý An toàn thực phẩm các địa phương: TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh... rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần xuyên tâm liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh Covid-19 (bao gồm các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng chống được Covid-19).

Đồng thời yêu cầu thu hồi bản tự công bố sản phẩm, thu hồi sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; công bố công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang