Lâm Đồng: Đà Lạt thúc đẩy năng suất chất lượng hoa cúc và Actiso

author 06:09 02/04/2015

(VietQ.vn) - Đà Lạt - Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông sản và cây hàng hóa. Trong đó Actiso và hoa cúc là một trong các cây trồng chủ lực của địa phương này được tập trung hỗ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đầu tư phát triển hoa cúc Đà Lạt

Đà Lạt có khoảng 1.000 - 1.200 ha nhà kính sản xuất hoa cắt cành, ước tính tổng sản lượng hàng năm hơn 1,2 tỷ cành, trong đó hoa cúc các loại chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thời gian qua, hoa cắt cành nói chung và hoa cúc Đà Lạt nói riêng chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chất lượng hoa vẫn chưa thực sự ổn định.

Lâm Đồng: Đà Lạt thúc đẩy năng suất chất lượng hoa cúc và Actiso

Đà Lạt thúc đẩy năng suất chất lượng hoa cúc đem lại lợi nhuận cao

Để góp phần khắc phục thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã xây dựng 4 mô hình điểm trồng hoa cúc tại phường 7 và phường 8, Đà Lạt, mỗi mô hình với 500m2 nhà kính. Kết quả sau 1 năm triển khai, 4 mô hình điểm đã thực hiện việc chọn lựa các giống hoa cúc sạch bệnh, tăng khả năng đề kháng, áp dụng hình thức tưới phân đa lượng và vi lượng giúp cây hoa cúc phát triển cân đối, chắc khỏe.

Sử dụng bẫy và keo dính để thu hút và tiêu diệt trên 60% sâu vẽ bùa trưởng thành và trên 40% bọ trĩ, tiết kiệm khoảng 50% thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện đúng quy trình bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo được độ lạnh khi lưu trữ và vận chuyển từ 3 - 5 độ C, sẽ giữ độ tươi 10 - 15 ngày. 

Theo đánh giá, sản xuất hoa cúc theo các mô hình này đã tăng giá bán từ 1.000đồng/cành lên 1.500-1.800 đồng/cành, đạt lợi nhuận tăng thêm gần 11 triệu đồng. Quy trình này đã được Sở NN&PTNT Lâm Đồng tổ chức 4 cuộc hội thảo đầu bờ và 12 lớp tập huấn cho hơn 750 nông dân và 80 khuyến nông viên trên địa bàn Đà Lạt.

Đặc sản Actiso Đà Lạt - Lâm Đồng

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện Đà Lạt có khoảng 30 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cây Actiso, trong đó có 2 doanh nghiệp có đủ năng lực để chế biến và chiết xuất các hoạt chất từ loại cây dược liệu quý hiếm này.

Tuy đầu ra của Actiso khá thuận lợi, song vấn đề khó khăn nhất hiện nay của người trồng và sản xuất chế biến Actiso ở Đà Lạt là nguồn giống đã thoái hoá.

Hoa Actiso ở Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao

Hoa Actiso ở Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa

Trước thực tế đó, Sở NN&PTNT đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Trung tâm Giống khoai tây, rau - hoa Đà Lạt triển khai Đề án phục tráng giống Actiso trên cơ sở nguồn gen phù hợp và đề án nghiên cứu quy trình sàn xuất Actiso an toàn theo Viet Gap.

Được biết, từ năm 2008, Sở NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu an toàn cho Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Lâm Đồng trên diện tích gần 16 ha trồng ngũ gia bì, Actiso, thông đỏ… Như vậy, có triển vọng cho vùng nguyên liệu Actiso an toàn, đảm bảo chất lượng tốt phục vụ công nghiệp sản xuất dược phẩm từ Actiso.

Quốc Anh


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang