Lâm Đồng: Nhiều học sinh nhập viện sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc

author 13:11 05/04/2024

(VietQ.vn) - Nhiều học sinh nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường.

Ngày 5/4, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại địa phương vừa xảy ra vụ việc 30 học sinh phải nhập viện kiểm tra sức khỏe sau khi ăn kẹo trước cổng trường.

Theo đó, một số học sinh của Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) mua kẹo tại một tiệm tạp hóa đối diện trường, đem đến lớp để chia nhau ăn. Sau khi ăn kẹo, các em có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Di Linh để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Đến sáng nay 5/4, các em học sinh đã được xuất viện theo dõi tại nhà. Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, sau khi kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định các em học sinh không bị ngộ độc thực phẩm thông thường; nghi vấn các em này có triệu chứng bệnh hysteria ở thể nhẹ: mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, đau nhức... Bệnh lý thường được thể hiện bằng rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan và rối loạn tâm thần.

Nhiều học sinh nhập viện do ăn kẹo không rõ nguồn gốc. 

Hiện UBND huyện Di Linh đã đã lấy mẫu kẹo để kiểm tra và có văn bản báo cáo cơ quan chức năng cấp trên đề nghị xác minh.

Trước đó, ngày 28/3, tiếp nhận thông tin về việc trước cổng trường THCS Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bày bán loại kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Công an xã Hành Tín Tây đã tham mưu thành lập đoàn liên ngành kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Đình Nhị (trú thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây; chủ quán Nhị Ka) đang bày bán 0,8kg kẹo dạng viên có vỏ bọc, vỏ kẹo có nhiều màu sắc, không có nhãn hiệu và nguồn gốc, xuất xứ. Quá trình làm việc ban đầu xác định, ngày 25/3, Nguyễn Đình Nhị đã mua 4 gói kẹo có đặc điểm nêu trên tại chợ Quảng Ngãi, trọng lượng mỗi gói là 0,5kg với số tiền 50.000 đồng/kg để về bán lại với giá 1.000 đồng 4 viên.

Nguyễn Đình Nhị đã bán số kẹo này cho nhiều em học sinh của Trường THCS Hành Tín Tây, chỉ còn lại 0,8kg. Nhiều học sinh của trường đã mua, sử dụng và xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tức ngực.

Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm do có thể trộn bánh, kẹo đã hết hạn sử dụng hoặc hàng kém chất lượng. Ngoài ra, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc có nguy cơ nhiễm chất độc, nhiễm vi sinh.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe học sinh, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn các quầy hàng xung quanh trường học bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và mất an toàn vệ sinh. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức ra quân lập lại trật tự vỉa hè; xử phạt nặng đối với các trường hợp có hành vi tái phạm.

Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền dặn dò học sinh không mua những đồ ăn vặt, đồ chơi độc hại; hướng dẫn để các em hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm để tự bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của mình. Các bậc phụ huynh không nên cho các em mang theo tiền đến lớp để đến giờ ra chơi mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.

Thay vào đó, cha mẹ nên mua cho các em thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng.

An toàn sức khỏe là do mỗi người tự quyết định. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, cảnh giác nguy cơ từ thực phẩm bẩn, kém chất lượng, chú ý lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vì sức khỏe bản thân, gia đình.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang