Làm gì để ngăn chặn triệt để chất cấm trong chăn nuôi?

author 11:08 29/03/2016

(VietQ.vn) - Ba tháng nữa, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Theo tin tức từ báo Nhân Dân, hai tháng nay, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an phối hợp Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng loạt kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo trên cả nước. Qua thanh tra 41 vụ, phát hiện tới 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại. Chỉ hơn ba tháng nữa, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự, thế nhưng hầu hết những người chăn nuôi và thương lái đều không biết hoặc cố tình vi phạm.

Gần đây nhất, tại tỉnh Đồng Nai, nơi có đàn heo nhiều nhất cả nước với 1,6 triệu con, Chi cục Thú y tỉnh này phát hiện hai hộ chăn nuôi heo ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu có sử dụng chất cấm salbutamol. Chỉ vì lợi nhuận từ mỗi con heo có sử dụng chất cấm cao hơn heo nuôi bình thường từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg mà những người chăn nuôi có thể phải chịu hình phạt tù.

Qua xác minh, các ngành chức năng phát hiện chính thương lái đã xúi giục người chăn nuôi heo. Để loại bỏ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, công tác truyền thông là rất quan trọng. Ngoài tuyên truyền cộng đồng, cần tuyên truyền đến từng nhóm người cụ thể để người tiêu dùng cảnh giác hơn khi sử dụng thịt heo hoặc nếu phát hiện cơ sở chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm thì quần chúng sẽ báo ngay cho các cơ quan chức năng.

Kiên quyết loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi

Cần kiên quyết loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Hà Nội Mới

Hiện Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán…

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNN, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật theo cách thức mới: Khi thanh tra những lò mổ, nếu phát hiện có chất cấm sẽ mời các cơ quan báo đài vào quay hình để có phóng sự trực tiếp, tăng cao tính răng đe. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thông báo rộng rãi đường dây nóng của bộ để người dân, cơ quan đoàn thể phối hợp lật tẩy những cơ sở vi phạm. 

Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết theo các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Với Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 với điều 317 nói riêng và điều 191, 193 nói chung nâng cao tối đa tính răn đe khi cấu thành phạt tù cơ bản 5 năm, nặng 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ. người vị phạm sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm sản xuất, cấm kinh doanh, người chăn nuôi không chỉ bị mất trắng khi đàn heo bị tiêu huỷ mà còn bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm”.

Bộ luật Hình sự năm 2015, những tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, đầu tiên, khoản 1 của các tội phạm này đều cấu thành hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm thì đã đủ yếu tố để khẳng định anh đã phạm tội”, báo Hà Nội Mới đưa tin. 

Linh Mỹ (T/h)

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang