Làm gì để tránh 'sập bẫy' lừa đảo việc làm dịp Tết?

author 11:54 05/01/2023

(VietQ.vn) - “Không bao giờ có công việc nào mà việc nhẹ, lương cao cả. Vì thế, các bạn sinh viên cần cảnh giác cao độ để tránh tiền mất, tật mang”.

Đó là chia sẻ của Thượng uý Vũ Mạnh Tuấn - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2 tại buổi tọa đàm kỹ năng sống cho sinh viên với chủ đề: “Giúp sinh viên tránh “bẫy” việc làm dịp Tết" tại TP.HCM mới đây.

Theo anh Tuấn, hiện có rất nhiều đơn vị, cá nhân đăng thông tin tuyển dụng với vị trí, ngành nghề khác nhau như xâu chuỗi hạt, nhân viên nhập liệu, đánh máy,... trên các trang tìm kiếm việc làm. Điểm chung của những bài đăng, mẩu tin tuyển dụng này đều là “việc nhẹ, lương cao”, không có địa chỉ cụ thể mà chỉ yêu cầu để lại số điện thoại. Bên cạnh đó, yêu cầu của công việc cũng rất đơn giản. Chẳng hạn, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc, không cần trình độ, bằng cấp, thời gian tự do, làm online. Như vậy, với điều kiện trên đã đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang nôn nóng tìm kiếm việc làm dịp giáp Tết. Dẫn đến không ít sinh viên “sập bẫy" của các nhóm đối tượng lừa đảo.

“Có những trường hợp các nhóm đối tượng giữ chứng minh nhân dân của nạn nhân. Sau đó, bắt ép nạn nhân phải đóng tiền để lấy hàng. Khi nạn nhân bị “hành” quá nhiều, không đủ tiền để lấy hàng nữa thì xin nghỉ. Và câu chuyện bắt đầu từ đây, phía công ty dùng dằng, làm khó dễ và bắt nạn nhân phải đóng vào một số tiền nhất định mới hoàn trả lại chứng minh thư. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ đành ngậm ngùi mất tiền, chịu làm không công chỉ để lấy lại chứng minh thư” - Thượng uý Tuấn cho biết.

Buổi tọa đàm chia sẻ về chủ đề giúp sinh viên tránh “bẫy” việc làm dịp Tết diễn ra tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành.  

“Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng không được phép tạm giữ, cất giấu chứng minh nhân dân của người khác, trừ cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Vì thế, trong trường hợp này, nạn nhân hãy bình tĩnh đến nhờ cơ quan chức năng can thiệp để họ phải trả lại chứng minh thư", Thượng uý Tuấn nhấn mạnh. 

Ngoài những hình thức, chiêu trò trên, còn có rất nhiều hình thức khác được núp bóng dưới dạng thu tiền người lao động khi tham gia tuyển dụng với danh nghĩa “tiền hồ sơ", “tiền bảo đảm không bỏ việc", “phí tuyển dụng",... “Ngặt nghèo hơn là bắt nạn nhân nhập mã đúng trong vòng 10 giây mới trả tiền. Tuy nhiên, với mã ngoằn ngoèo, khó nhìn thấy, nạn nhân chưa kịp nhìn thì đã quá thời gian rồi chứ chưa tính đến chuyện nhập vào. Vì thế mà nhiều nạn nhân đã mất cả tháng lương chỉ vì điền không kịp mã”, Thượng uý Tuấn nói.

Chưa dừng lại ở đó, có một số trường hợp yêu cầu nạn nhân liên kết với tài khoản ngân hàng với app trả lương. Nếu gặp phải trường hợp này thì không nên thoả hiệp, bởi điều này có thể khiến người lao động bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu về tài khoản ngân hàng cá nhân.

Theo Thượng uý Tuấn, số tiền nhận được cho một tiếng đồng hồ làm tại các siêu thị hay nhân viên phục vụ tại chuỗi cửa hàng kinh doanh theo hình thức F&B cũng chỉ dao động từ 22 nghìn đồng - 28 nghìn đồng/giờ. Hay hiện nay đang thịnh hành nghề Content writer các bạn viết ngày đêm, tốn rất nhiều chất xám nhưng chỉ nhận được 20-40 nghìn đồng/bài. Vậy thử hỏi có việc làm nào chỉ cần copy dán, đi comment dạo mà thu nhập cả triệu thậm chí chục triệu trong một tuần hay không? Về vấn đề này Thượng uý Tuấn khẳng định, “không bao giờ có công việc nào mà “việc nhẹ, lương cao” cả. Vì thế, các bạn sinh viên cần cảnh giác cao độ để tránh “tiền mất, tật mang”.

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên (Thành Đoàn TP.HCM) cũng cho biết, thời điểm cuối năm nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm thời vụ tăng cao, thông báo tuyển dụng vì thể cũng ồ ạt giăng khắp nơi từ ngoài đường đến không gian mạng với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, có không ít sinh viên trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo việc làm. 

Để tránh "sập bẫy” do các đối tượng giăng sẵn, anh Lê Xuân Dũng khuyến cáo, Tết đến cận kề, đây cũng là thời điểm nhóm lừa đảo việc làm hoạt động ráo riết, vì thế các bạn sinh viên nên thận trọng khi tìm việc hay apply vào bất kì một công việc nào. “Sinh viên nên tìm kiếm, lựa chọn những công việc liên quan đến ngành học của mình, phù hợp với năng lực, kiến thức đã được học ở trên ghế nhà trường. Cần thận trọng hơn khi lựa chọn công việc, đảm bảo an toàn. Đồng thời, phải tìm hiểu rõ công việc mình sẽ làm, cần có thỏa thuận, tốt nhất là có hợp đồng lao động, trong đó quy định trách nhiệm, nghĩa vụ cho các bên để tránh trường hợp bị lừa”, anh Dũng nói.

Thượng uý Vũ Mạnh Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên khi đi phỏng vấn, đó là không nên mang theo nhiều tiền, giấy tờ tùy thân để tránh bị đối tượng xấu dụ dỗ. Nếu gặp những trường hợp bị các đối tượng dụ dỗ hãy nhanh chóng tìm cách lẩn trốn vào đám đông rồi ra khỏi đó ngay lập tức. Ngược lại, nếu bị dụ dỗ qua mạng xã hội, các bạn có thể chụp lại màn hình và trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đồng thời, tích cực tuyên truyền với các bạn xung quanh để tránh gặp phải trường hợp tương tự xảy ra.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang