Lạm phát cấp phó, cán bộ lười nhác ham muốn làm lãnh đạo

author 13:17 18/11/2014

(VietQ.vn) - Nghịch lý trong việc cải cách, tinh giản bộ máy hành chính được đại biểu mổ xẻ bằng những phản ánh thẳng thắn, có cơ sở từ thực tiễn.

Sau thời gian dài thực hiện công tác cải cách hành chính, vì sao bộ máy quản lý nhà nước vẫn “phình to”, số lượng biên chế không giảm mà còn gia tăng; chất lượng cán bộ công chức, viên chức không được cải thiện thậm chí còn suy giảm…. Đó là những vấn đề được đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn sáng nay, 18/11.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cụ thể, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)  phản ánh tình trạng “lạm phát” cấp phó vẫn kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả lãng phí, không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp tới đây thế nào?”, bà An đặt câu hỏi.

Thừa nhận việc bổ nhiệm nhiều cấp phó không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn dẫn tới tình trạng bất đồng trong xã hội, Bộ trưởng Nguyễ Thái Bình cho biết: Quy định bổ nhiệm cấp phó đã có song thực tế lại chưa phải là “quy định cứng”, đặc biệt rất khó thực hiện tại cấp bộ.

Để minh chứng, vị Bộ trưởng dẫn chứng: Theo quy định, cấp bộ chỉ có 4 chỉ tiêu song thực tế bình quân mỗi bộ hiện có khoảng 5,4 cấp phó; cấp tổng cục quy định là 3 nhưng bình quân lại là 3,69; cấp vụ quy định 3 nhưng bình quân là 3,04, cấp sở là 3 nhưng bình quân 3,06.

“Bộ Nội vụ cũng có nhiều lần đề nghị với số Thứ trưởng nên quy định “cứng” chứ không quy định “mềm” nữa. Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Nội vụ đưa ra thảo luận, rồi bỏ phiếu nhưng không lần nào quá bán. Chính vì vậy, Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phải thảo luận với các bộ, thế nhưng Bộ Nội vụ đề nghị số lượng Thứ trưởng ít, còn các Bộ đề nghị số lượng nhiều nên quan điểm không gặp được nhau”, vị Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là bởi  sức ép công việc quá nặng nề cần phải có người trực tiếp xử lý, do đặc thù của một số ngành cần phải có cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao… “Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan quá nhiều cấp phó nhưng không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do bổ nhiệm vì lý do nào đó…Chính vì vậy chúng tôi đề nghị nên có quy định “cứng” để tạo điều kiện thống nhất việc bổ nhiệm cấp phó, không để tình trạng  này kéo dài mãi”, ông Bình nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề vì sao số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều?

Nhắc lại tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”,  đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dư luận phản ánh hiện nay có tình trạng những người có năng lực không vào khu vực nhà nước và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước.

Vị đại biểu thẳng thắn chất vấn: “ Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?”

Không phủ nhận phản ánh trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đi vào phân tích nguyên nhân khiến người có năng lực phải ra khỏi bộ máy hành chính trong khi số lười nhác ham muốn thành đạt lại nhiều. “ Cơ chế sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ còn chậm; việc tuyển đầu vào cũng chưa hiệu quả, không tuyển được người có năng lực, tâm huyết”, ông Bình nói.

Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đổi mới cơ chế đánh giá phân loại cán bộ công chức viên chức nhằm trọng dụng người có tài năng làm được việc. “Đề án tạo nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp giỏi xuất sắc, nhà khoa học trẻ cũng đã được xây dựng,  đặt mục tiêu từ nay tới 2020 tuyển 1000 cán bộ nguồn; đề án đãi ngộ người tài cũng đang được trình Chính Phủ”, ông Bình cho biết.

Ngược lại, với những người không có năng lực, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hầu hết đại biểu tỏ ra chưa hài lòng với công tác đánh giá phân loại cán bộ công chức viên chức hiện nay.

Thậm chí, khi được yêu cầu công bố báo cáo kết quả đánh giá phân loại xếp hạng cán bộ công chức năm 2013, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng tỏ ra “băn khoăn” khi nhận định báo cáo mà Bộ Nội vụ nhận được chưa sát thực.

Theo đó, kết quả đánh giá phân loại cán bộ công chức năm 2013 như sau: số cán bộ công chức  hoàn thành xuất sắc 34,3%; số hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn 58%; hoàn thành  nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực 47,9%; không  hoàn thành nhiệm vụ 0,46%.

Về đánh giá xếp loại viên chức: hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc 34,4%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt hơn 57 %; hoàn thành  nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực 8,%; không  hoàn thành nhiệm vụ khoảng 0,2%.

Đáng chú ý chỉ có 23 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức không hoàn thành nhiệm vụ; 7 bộ ngành địa phương báo cáo không có viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: nguyên nhân dẫn tới tình trạng đánh giá phân loại công chức viên chức chưa sát thực bao gồm: đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chưa được  bố trí công việc rõ ràng, cụ thể ; cơ quan  đơn vị chưa thường xuyên theo giõi giám sát việc thực thi để kịp thời trấn chỉnh phân loại chính xác chất lượng cán bộ công chức, viên chức, vẫn còn tư tưởng dĩ hòa vi quý nể nang trong đánh giá; người tự đánh giá không trung thực; người đứng đầu chưa thực hiện đúng thẩm quyền trách nhiệm của mình.

“ Nhiều đơn vị phải làm đi làm lại tới 5 lần mới chỉ ra được trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang