Làm rõ nguồn gốc gà nhập khẩu

author 13:08 10/11/2012

(VietQ.vn) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về Chấm dứt vận chuyển gà lậu về tiêu thụ tại Hà Nội diễn ra ngày 9/11.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các đối tượng buôn lậu gà thường thay đổi thời gian, địa điểm tập kết hàng; sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, thậm chí huy động lực lượng hỗ trợ tẩu tán hàng khi bị phát hiện. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật vận chuyển với số lượng dưới 50 con nên không cần phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật để vận chuyển vào chợ tiêu thụ. Các đối tượng nhập lậu gà, trứng giống hợp thức hóa bằng cách nuôi một thời gian tại các trại, sau đó mang tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Ngoài ra, còn một thực tế khác là việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng không chặt chẽ, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Kinh phí và trang bị của các lực lượng thực thi công vụ còn thiếu, không bảo đảm hoạt động. Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe với đối tượng vi phạm. Gia cầm là chủng loại hàng hóa không có tem nhãn nhưng đến nay, Bộ NN&PTNT chưa có chỉ dẫn chính xác việc phân biệt giữa gia cầm trong nước với nhập khẩu điều này đã gây khó cho lực lượng chức năng khi xác định nguồn gốc hàng hóa.

Hà Nội phải giảm ít nhất 70% lượng gà nhập lậu vào địa bàn

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường kiểm soát, ngăn chặn từ biên giới. Thành lập chốt chặn, bắt giữ và xử phạt mạnh theo Nghị định 91 của Chính phủ về xử phạt hành chính; Kiên quyết tạm giữ phương tiện vận chuyển trong thời gian dài, thậm chí tịch thu phương tiện nếu vi phạm nhiều lần; Lực lượng thú y chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm tiêu  thụ, chăn nuôi gia cầm...

Cần chặn gà nhập lậu ngay từ các cửa khẩu

"Chính phủ đưa ra cơ sở pháp lý trong việc tiêu hủy gà nhập lậu; Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc chống vận chuyển gia cầm lậu qua địa phương. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ Hà Nội trong việc chống gia cầm nhập lậu, mà còn có tác dụng hỗ trợ nuôi trồng, chăn nuôi của địa phương phát triển", ông Thảo nói.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, lượng gà và trứng gia cầm nhập về chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín - Hà Nội) từ 15 - 25 tấn để tiêu thụ cho Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Thực tế này đã diễn biến phức tạp nhiều năm nay và rất đáng lo ngại. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý nhiều lần nhưng tình trạng buôn bán, nhập lậu gà vẫn diễn biến phức tạp.

Điều này theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội có nguyên nhân từ tỷ suất lợi nhuận quá cao, có thể lên đến 300% nên càng hấp dẫn tư thương buôn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Cụ thể, nếu 1kg gà thải loại tại Trung Quốc chỉ là 15.000 đồng, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) lên tới 30.000 - 35.000 đồng/kg, còn khi về đến chợ Hà Vĩ lên tới 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, Bộ Công Thương trước ngày 15/12 phải thông qua đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài làm rõ nguồn gốc, chất lượng loại gia cầm nhập khẩu có được sử dụng tại thị trường trong nước đó hay không để báo cáo Chính phủ. Bộ Công Thương phối hợp với Hà Nội lập danh sách những hiện tượng, trường hợp vi phạm từ đó đề xuất điều khoản ngăn chặn.

"Hà Nội phải phấn đấu giảm ít nhất 70% lượng gia cầm nhập lậu trên địa bàn. Vận dụng tối đa Nghị định 91 để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đề ra phương án đấu tranh quyết liệt với 11 đường dây buôn lậu lớn mà lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện; Tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn đẩy mạnh kiểm soát hàng lậu qua đường thủy", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang