Chuyên gia hiến kế giải pháp kìm hãm đà tăng giá xăng dầu

author 14:27 14/11/2021

(VietQ.vn) - Trong khi công cụ bình ổn giá xăng dầu gặp khó khăn thì nhà quản lý cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp.

Trên báo điện tử VOV, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là khi các DN đang cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Cùng với đó, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.

"Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn Quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những DN ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua", ông Thịnh đề xuất.

Làm sao để kìm hãm đà tăng giá của xăng dầu?

Theo các chuyên gia, chỉ có giải pháp giảm thuế mới có thể giữ giá bán xăng dầu trong nước không tăng thêm.

Cũng theo quan điểm của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, để hỗ trợ giá xăng dầu cho DN cần lưu ý đúng đối tượng và đúng thời điểm, tránh việc hỗ trợ tràn lan. Ngoài ra, nhà nước cũng có thể hỗ trợ gián tiếp cho các DN ngoài việc trực tiếp hỗ trợ trực tiếp về mặt hàng xăng dầu, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề đang có nhu cầu cao về lao động, từ đó sẽ giúp DN có nguồn lực để phục hồi sản xuất.

Báo Tin tức nêu đề xuất từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ có giải pháp giảm thuế mới có thể giữ giá bán xăng dầu trong nước không tăng thêm trong bối cảnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu cạn kiệt, không còn nguồn để xử lý nữa.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá (BOG) đã chi liên tục với mức từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG, giá xăng dầu trong nước đã thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% - 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% - 52,59%).

Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất: Để kìm giá tăng, cơ quan quản lý có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường (hiện thu ở mức tối đa 4.000 đồng/lít xăng RON 95; 3.800 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu diesel). Hiện, chỉ thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là còn dư địa có thể giảm.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), xăng, dầu là sản phẩm đầu vào quan trọng của nền kinh tế, không có giải pháp bình ổn sẽ tác động bất ổn đến toàn bộ nền kinh tế, tác động đến tăng trưởng GDP cũng như gây ra lạm phát, làm tăng phí đầu vào, nhất là đối với ngành vận tải.

“Để kìm giá xăng dầu, cơ quan quản lý có thể xem xét giãn, hoãn, giảm một loại thuế nào đó như giá trị gia tăng - VAT, thuế bảo vệ môi trường để chia sẻ với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần các gói hỗ trợ tài chính để xử lý khó khăn trong lúc này với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu lên cao”, ông Nguyễn Tiến Thoả cho biết.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), ngoài công cụ quỹ Quỹ BOG, Bộ Tài chính cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong ngắn hạn.

Phương Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang