Thực phẩm nhập lậu 'hoành hành' tại Lạng Sơn

author 17:11 10/06/2024

(VietQ.vn) - Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong thời gian ngắn gần đây lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ lượng lớn thực phẩm nhập lậu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, thời gian gần đây, một số đối tượng đã lợi dụng địa bàn để thực hiện các hành vi vận chuyển thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ từ các tỉnh nội địa bằng xe ô tô qua địa bàn huyện Lộc Bình để xuất lậu qua bên kia biên giới. Các đối tượng này sử dụng thủ đoạn chia nhỏ hàng hóa, lợi dụng đêm tối, sơ hở của lực lượng chức năng để lén lút mang vác qua các đường mòn biên giới nhằm xuất lậu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số đối tượng là cư dân biên giới, lợi dụng đêm tối thực hiện các hành vi mang vác nhỏ lẻ các sản phẩm từ Trung Quốc như: xúc xích, nội tạng động vật... vào Việt Nam.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh tăng cường ngăn chặn thực phẩm xuất nhập lậu qua biên giới; không để hình thành đường dây, tụ điểm kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tồn tại trên địa bàn, góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường và bảo vệ sản xuất trong nội địa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Kết quả trong tháng cao điểm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 29 vụ, xử lý 26 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 129.500.000 đồng, trị giá hàng hoá vi phạm là 10.550.000 đồng. Chỉ trong tháng 5/2024, các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã ngăn chặn, bắt giữ 7 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm thịt lợn nhập lậu (thu giữ gần 16,3 tấn sản phẩm thịt lợn), tăng 5 vụ so với 4 tháng đầu năm 2024 cộng lại.

Lạng Sơn liên tiếp phát hiện thực phẩm nhập lậu với số lượng lớn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Điển hình, ngày 28/5, trong quá trình phối hợp công tác, lực lượng Quản lý thị trường và Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh Lạng Sơn) phát hiện ô tô tải (kiểu xe đông lạnh), nhãn hiệu Hyundai, BKS 29H-831.57 do ông Nguyễn Mạnh Hiếu, trú tại thôn Thọ Lâm, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) điều khiển đang dừng đỗ trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn có nhiều dấu hiệu khả nghi.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong thùng xe có cất giấu 2 loại hàng hóa gồm: chân gà rút xương, móng giò lợn đóng trong 45 bao tải dứa, với tổng trọng số lượng hơn 7 tấn. Cả 2 loại hàng hóa trên đều bảo quản đông lạnh. Ông Nguyễn Mạnh Hiếu không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ hay giấy tờ liên quan đến số hàng hóa trên xe đang vận chuyển. 

Cùng ngày 28/5 tại đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe BKS 29H - 831.57 phát hiện trong thùng chứa hàng hóa của xe có 6 tấn móng giò lợn và lô hàng cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ sau đó 1 (ngày 29/5), Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) phối hợp với lực lượng Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an xã Yên Khoái (Lộc Bình) đã kiểm tra đột xuất 1 container lạnh số hiệu WHLU 774084(3), tại khu vực bãi đất vườn ông Hoàng Văn Ngắn, địa chỉ thôn Gốc Nhãn, xã Yên Khoái. Qua kiểm tra bên trong container lạnh, lực lượng liên ngành phát hiện có chứa 263 bao tải dứa màu vàng buộc túm từng bao (trọng lượng mỗi bao là 20 kg/bao). Kiểm tra thực tế bên trong các bao tải dứa là mặt hàng móng giò lợn đông lạnh, có tổng trọng lượng gần 5,3 tấn, không có hóa đơn, chứng từ, tổng trị giá lô hàng ước tính khoảng hơn 200 triệu đồng.

Sáng ngày 4/6/2024 Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh, Chi cục Hải quan Tân Thanh kiểm tra Hộ kinh doanh Phạm Thị P có địa chỉ tại chợ rau Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Phạm Thị P đang bày bán các mặt hàng hải sản, thực phẩm bao gói sẵn. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh đang bày bán, kinh doanh 52 túi xúc xích (gồm 03 loại có trọng lượng khác nhau) có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam. Bà Phạm Thị P là chủ hộ kinh doanh cho biết số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường với mục đích bán lẻ cho khách hàng để kiếm lời, khi mua hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hay bất cứ loại giấy tờ gì kèm theo.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi để gian dối nhằm qua mắt lực lượng chức năng; trong đó, lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình khai báo hải quan điện tử để khai gian tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ hàng nhập khẩu, cài cắm một số loại hàng khác chủng loại để nhập vào trong nước.

Đặc biệt, lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân trên biên giới, các đối tượng đã thuê xách hàng từ bên kia biên giới vào Việt Nam (chủ yếu là thực phẩm đóng gói sẵn như xúc xích, chân gà, chân giò lợn… không rõ nguồn gốc). Việc xách hàng tuy nhỏ lẻ nhưng lại đi thành nhiều chuyến, nếu được tập trung, thu gom lại sẽ thành số lượng tương đối lớn…Điều này ảnh hưởng không nhỏ cho công tác kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn. 

Hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000

ISO 22000 là một tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn Hóa Quốc tế (ISO) và được công bố lần đầu tiên vào năm 2005. Tiêu chuẩn này xác định các yêu cầu để thiết kế, thực hiện và duy trì một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả trong một tổ chức sản xuất thực phẩm.

ISO 22000: 2018 tạo ra một tiêu chuẩn an toàn thực phẩm duy nhất kết hợp hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau thành một bộ yêu cầu dễ hiểu, dễ áp ​​dụng và được công nhận trên toàn thế giới.

Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận này có thể được sử dụng bởi tất cả các tổ chức trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ nuôi trồng đến dịch vụ thực phẩm, chế biến, vận chuyển và bảo quản thông qua đóng gói đến bán lẻ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang