Lạng Sơn phát hiện sữa, bột ngũ cốc không đảm bảo quy định ghi nhãn

author 14:09 28/06/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn vừa liên tiếp xử phạt 03 hộ kinh doanh quảng cáo bán chân gà, mỹ phẩm, sữa và bột ngũ cốc dinh dưỡng nhập lậu trên Zalo.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn, Tổ Quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn – Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện 03 tài khoản Zalo có tên: “Pham Huong”, “Mỹ Hương” và “Phan Huynh Duc” thường xuyên đăng tải, rao bán trên mạng một số loại chân gà, sữa bột đóng hộp, bột ngũ cốc dinh dưỡng và kem dưỡng da do nước ngoài sản xuất.

Ngay sau khi điều tra, Tổ quản lý địa bàn huyện Bắc Sơn - Đội QLTT số 5 đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại 03 cơ sở kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, đường sữa và mỹ phẩm là: Hộ kinh doanh Trần Thị Mỹ Hương có địa chỉ tại xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, Hộ kinh doanh Phan Huỳnh Đức có địa chỉ tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn và Hộ kinh doanh Nguyễn Đề Tài có địa chỉ tại xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Qua kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng do bà Trần Thị Mỹ Hương (có tài khoản Zalo: “Mỹ Hương”) là chủ hộ đang bày bán 40 gói chân gà (vỏ đỏ) loại 32g/gói, tổng giá trị hàng hóa 440.000 đồng; Tại cửa hàng do ông Phan Huỳnh Đức (có tài khoản Zalo: “Phan Huynh Duc”) là chủ hộ đang bày bán 92 đơn vị hàng hóa là mỹ phẩm, tổng trị giá 5.010.000 đồng; Tại cửa hàng do ông Nguyễn Đề Tài (có tài khoản Zalo: “Pham Huong”) là chủ hộ đang bày bán 219 đơn vị hàng hóa là sữa bột đóng hộp và bột ngũ cốc dinh dưỡng các loại, tổng trị giá 10.257.000 đồng. Tất cả các hàng hóa trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 hộ kinh doanh và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nhập lậu có tổng giá trị 15.707.000 đồng trên theo quy định của pháp luật.

 Lạng Sơn phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa thuộc về tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang