Lấy bằng đại học đã khó, tìm việc còn khó hơn

author 07:54 08/07/2013

(VietQ.vn) - Sau những nỗ lực phấn đấu học tập, nhiều sinh viên ra trường luôn tự hào khi cầm tấm bằng cử nhân trên tay với mong muốn sẽ tìm được một công việc thích hợp, đúng chuyên ngành, đúng sở trường. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan cùng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc đạt được mong muốn đó quả thực không dễ.

Tìm việc khó như lên… trời?

Thực tế, những cử nhân tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành các khối A, B, D thì phần lớn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có mức thu nhập cao, đối với họ luôn là sự chú ý hàng đầu. Tuy nhiên, ở những môi trường như vậy, các nhà tuyển dụng thường đưa ra các tiêu chuẩn khá khắt khe. Ngoài việc đòi hỏi phải tốt nghiệp các trường “tốp trên”, họ còn đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn như năng lực học vấn khá - giỏi, thành thạo tiếng Anh, tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp tốt, kinh nghiệm làm việc từ 2 - 3 năm trở lên… Với những đòi hỏi như trên thì chỉ riêng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, sinh viên mới ra trường, “chân ướt chân ráo” chắc chắn sẽ bị loại ngay từ vòng đầu!

Với những công ty có nguồn thu nhập không cao, môi trường làm việc khiến các cử nhân khó phát huy khả năng sáng tạo thì họ thường có tâm lý thiếu đam mê, thường xuyên thay đổi công việc để mong tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Bạn Minh Hương, cử nhân Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Mình tốt nghiệp bằng giỏi, ra trường 3 năm rồi mà vẫn còn lận đận. Nộp hồ sơ vào các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, họ yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc trên 4 năm; làm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lương thấp. Cực chẳng đã, mình đành tiếp tục lên mạng tìm việc và nhờ bạn bè giới thiệu”.

Anh Nguyễn Quang Huy, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa trải lòng: “Tôi ra trường đã 7 năm, cầm tấm bằng loại khá nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được một công việc ổn định”. Anh cho biết, từ khi ra trường đến nay, đã phải thay đổi công việc tới 5 lần, lao động vất vả mà thu nhập chỉ bập bõm.

Sinh viên ra trường với nỗi lo thất nghiệp

Nguy cơ thất nghiệp gia tăng

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì, năm 2012, cả nước có tới 58.128 doanh nghiệp phá sản.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cử nhân ra trường khó có cơ hội để tìm kiếm việc làm; việc chọn đúng chuyên môn, sở trường, có nguồn thu nhập ổn định xem ra chỉ như trong mơ?

Chị Thanh Thảo (SN 1982), tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực cho biết, ra trường chị tham gia thi tuyển công chức mấy lần vẫn không được chọn, chị đành nộp hồ sơ xin vào làm tại doanh nghiệp tư nhân, nhưng “duyên” chưa kịp bén thì công ty bị phá sản! Lại kiên trì nộp hồ sơ xin việc một số doanh nghiệp ở Hà Nội, chờ mãi không nhận được sự hồi âm nào, buồn chán, chị đành thuê địa điểm, mở cửa hàng nhỏ bán đồ ăn.

Chị Trang, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ở tuổi 34 chị còn phải mang hồ sơ đi xin việc. Trong thời gian chờ đợi, buổi tối chị phải đèo bồng con nhỏ, đồ nghề lên tận sân vận động Mỹ Đình bán trà đá, xoài dầm…

Theo số liệu chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 984.000 người thất nghiệp hiện nay, có trên 55.000 người trình độ cao đẳng (chiếm 5,6%), khoảng 111.000 người trình độ đại học trở lên (11,3%) thất nghiệp. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nêu kiến nghị: Phải thiết lập hành lang pháp lý giữa doanh nghiệp với nhà trường; quy hoạch lại nguồn nhân lực, xem xét quy mô đào tạo của trường; nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên… Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp trên cơ sở cân đối quy mô đào tạo của nhà trường.

Tự tin và sự nỗ lực…

Thạc sĩ Lê Tuấn Hùng - Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp cho rằng: “Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đang rất thiếu và yếu về định hướng cho sinh viên nên tập trung học những gì để sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp săn đón. Thay vì cố học để đạt điểm cao, sinh viên cần cố gắng để có kỹ năng làm việc mà thị trường lao động cần. Điều quan trọng là phải có chương trình đào tạo ngành rộng chứ không hẹp và cứng nhắc để khi ra trường, sinh viên không xin việc được trong ngành chuyên môn chính thì có thể xin việc qua chuyên môn thứ 2, thứ 3…"

Anh Nguyễn Tiến Thành, cử nhân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, may mắn được làm việc tại Tập đoàn Dầu khí đưa ra ý kiến: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các bạn không nhất thiết phải tìm công việc đúng chuyên môn, nếu kinh nghiệm còn ít, có thể xin vào các công ty nhận người chưa biết việc. Chỉ cần tìm cách thích nghi, tìm hiểu qua những đồng nghiệp và tận tâm hơn với công việc, nhiệt tình, chịu khó, kiên nhẫn với công việc mình làm… các bạn sẽ thấy tự tin hơn trong cuộc sống”.

Ánh Lợi
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang