Lấy ráy tai bằng lửa: Coi chừng điếc!

authorThảo Nguyên 17:47 14/07/2015

(VietQ.vn) - Bỏ ra từ 100.000 - 200.000 đồng, khách hàng sẽ được trải nghiệm với thú lấy ráy tai bằng lửa. Các bác sỹ khuyến cáo, không hề có cơ sở khoa học nào từ dịch vụ này và hơn hết, "thượng đế" có thể phải hối hận vì những biến chứng không thể lường trước.

Lấy ráy tai bằng lửa: Coi chừng điếc!

Lấy ráy tai bằng lửa đang là "mốt" của nhiều người, chuyên gia cảnh báo sử dụng cách này rất nguy hiểm cho tai

Thú tiêu khiển "kiểu Úc"

Bà chủ cơ sở nơi chúng tôi đi "thực địa" nhanh nhảu giới thiệu: "Đây là dịch vụ kiểu Úc đấy. Bạn thân tôi hiện đang là chủ một tiệm spa có tiếng ở đó. Bà ấy mách nước, cho thợ xịn về hướng dẫn các nhân viên. Khỏi lo đi, chất lượng chỉ có số 1 Việt Nam!". Cũng theo lời bà chủ, "công nghệ mới" này đang được ưa chuộng lắm, nườm nượp người đến, có cả phụ nữ thậm chí trẻ em, khác hoàn toàn với cách lấy ráy tai "truyền thống". 

Sau màn giới thiệu của chủ cơ sở, cuối cùng PV cũng được trải nghiệm cảm giác làm "thượng đế kiểu Úc". Giống như mọi quy trình dịch vụ nào khác, ban đầu khách hàng được massage để thư giãn, thả lỏng gân cốt. Sau đó, khách sẽ nằm trên ghế nệm dài, nhân viên lấy đèn cầy làm bằng sáp ong thiên nhiên và vải cotton, rỗng ruột. Châm lửa vào một đầu, đầu còn lại cắm vào lỗ tai để cho khói xông vào tai. Khi đốt hết 2/3, nhân viên sẽ lấy đèn cầy ra khỏi tai và dùng một dụng cụ khác “lôi” ráy tai ra dễ dàng.

Theo mô tả, đây là loại đèn cầy đặc biệt, khi đốt cháy, áp lực nóng bên ngoài sẽ đem lại cho khách cảm giác xông tai, rất dễ chịu. Sức nóng cũng sẽ tạo ra lực hút chân không, làm chênh lệch áp suất trong và ngoài vành tai, giúp nhẹ nhàng kéo ra những bụi bẩn từ sâu bên trong, cộng thêm với dầu ôliu nhỏ giọt vào trong, sẽ hút được nhiều ráy tai hơn.

Đèn cầy dùng trong “công nghệ” này có hai loại riêng biệt. Một loại có hình nón, một đầu loe ra và một đầu có lỗ nhỏ bỏ vừa lỗ tai. Một loại nhỏ hơn dành cho trẻ em. Đặc biệt, có một số loại dành cho những người làm việc có nhiều tiếng ồn, bụi bặm. Ban đầu, chủ cửa hàng dịch vụ mua hàng xách tay về với giá 8 USD, sau đó bà tự tìm hiểu để làm đèn cầy bằng sáp ong và vải cotton?!

Lấy ráy tai bằng lửa: Coi chừng điếc!Dịch vụ lấy ráy tai bằng lửa được quảng cáo trên mạng xã hội

Cẩn thận dính bệnh

Sau quá trình thử nghiệm lấy ráy tai kiểu Úc, chúng tôi đặc biệt chú ý đến bộ dụng cụ mà các nhân viên sử dụng để lấy ráy tai. Một số cáu bẩn, hoen ố mà theo lời người chủ thì đôi khi có tiệt trùng cũng… không sạch hết được! Khi nhân viên vừa sử dụng bộ dụng cụ ấy cho chúng tôi thì có một đợt khách mới đến, cô ta lập tức mang đến cho khách mà bỏ qua luôn khâu tiệt trùng. Phản ánh lại với chủ, chúng tôi chỉ nhận được thái độ ỡm ờ, lảng tránh.

Mang nỗi băn khoăn ấy đi tìm lời giải đáp, chúng tôi nhận được những khuyến cáo rất đáng ghi nhận từ bác sỹ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM: "Ngay cả để thư giãn, y học cũng không nói đến. Tuy nhiên phải hết sức lưu ý, nếu đèn cầy không sát trùng sẽ gây viêm tai. Khói đốt đèn cầy có những thành phần hoá học như thế nào chưa rõ nhưng khói vào tai sẽ gây nguy hiểm cho tai. Có thể ảnh hưởng đến sức nghe và gây chóng mặt. Ngoài ra, nếu lấy ráy tai không đúng cách, không vô trùng vật dụng ngoáy tai còn dễ gây ra bệnh nấm tai".

Trong khi đó, bác sỹ Cao Minh Thức (Bệnh viện Nhi Đồng 2) đặc biệt cảnh báo các bậc phụ huynh không nên đưa em nhỏ đến lấy ráy tai tại các cơ sở này: "Khi cần lấy ráy tai, đặc biệt là trẻ nhỏ, mọi người nên đến các cơ sở y tế tai mũi họng. Lấy ráy tai bằng đèn cầy có thể là một dịch vụ mới mang tính tự phát và hơn hết, không có cơ sở khoa học nào cả".

Lấy ráy tai bằng lửa rất dễ gây bỏng

Đừng đùa với lửa!

Thực ra, lấy ráy tai bằng lửa khá phổ biến ở một số nước như Trung Quốc, Ai Cập… với tên gọi ear-candling. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Laryngoscope (Mỹ), ear-candling không thể hút hết ráy tai ra bằng áp lực của lửa. Một khảo sát từng thực hiện với dịch vụ này cho thấy, 10% bệnh nhân từng dùng ear-candling đã bị phỏng nhẹ bên ngoài tai, bị sáp đèn cầy chảy vào trong tai và có trường hợp bị sây sát màng nhĩ. 

Ở nước ta, trường hợp cửa tiệm như chúng tôi đã đến là rất nhiều. Tức là, người chủ vì chạy theo lợi nhuận, không cần sử dụng các loại đèn cầy chuyên dụng mà tìm cách tự chế để giảm thiểu chi phí. Hơn nữa, vì mới du nhập nên trình độ của nhân viên còn kém, các thao tác đôi khi chưa đúng kỹ thuật. Vì thế, lấy ráy tai bằng lửa vốn đã nguy hiểm mà khi du nhập về Việt Nam lại thêm muôn phần hiểm nguy. Bỏ ra một vài trăm nghìn để cuối cùng tiền mất tật mang, nhẹ thì bỏng mà nặng có khi dẫn đến điếc vĩnh viễn, hỏi rằng có nên không?

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang