Liên tiếp bệnh nhân thủng dạ dày do lạm dụng thuốc giảm đau, lời cảnh báo từ bác sĩ
Xanh hóa năng lượng trong sản xuất- xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu Net Zero
Cảnh báo tình trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Nhật Bản phát hiện 2 nhóm thực phẩm rất cần thiết để tránh ung thư ruột
Nhiều bệnh nhân thủng dạ dày do dùng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là loại dược phẩm sử dụng với mục đích giúp người bệnh giảm bớt những cơn đau do bệnh mang lại. Do đó khi bị các cơn đau hành hạ, nhiều người không chịu đựng được và nhờ tới sự trợ giúp của thuốc giảm đau. Mặc dù thuốc này mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dùng, nó có thể không hoàn chấm dứt cơn đau nhưng lại giúp vơi bớt phần nào và cảm thấy thoải mái nhưng sử dụng thuốc giảm đau không hợp lý sẽ gây ra một số nguy hiểm như thủng dạ dày dẫn tới tử vong.
Mới đây, ông D.V.Q. (50 tuổi, Long An) nhập viện vì đau dữ dội vùng chân hai bên và đau vùng thượng vị. Theo lời kể của người bệnh và thân nhân, ông Q. có tiền sử viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau xương khớp kéo dài và không được điều trị thích hợp. Các bác sĩ đã xét nghiệm và chụp CT bụng phát hiện lỗ thủng ở dạ dày. Thăm khám bụng bệnh nhân nhận thấy hơi tự do ở bụng, ấn đau khắp bụng.
Tình trạng bệnh càng diễn tiến nặng hơn với biểu hiện mạch nhanh và huyết áp thấp, cần sử dụng thuốc vận mạch. Sau hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định mổ khẩn, mở bụng làm sạch ổ nhiễm trùng, khâu lỗ thủng. Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp mổ phát hiện bệnh nhân bị thủng lỗ lớn ở dạ dày, nghĩ do viêm loét do lạm dụng thuốc giảm đau NSAIDs.
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau vì có thể gây thủng dạ dày, tử vong. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh nhân bị loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau lâu ngày, kèm với bệnh lý đái tháo đường kiểm soát kém, nhập viện trong tình trạng rất nặng sốc nhiễm trùng. Hơn nữa, vị trí lỗ thủng lớn, bờ ổ loét xơ chai nên quá trình khâu lỗ thủng gặp không ít khó khăn, nguy cơ xì rò cao. May mắn bệnh nhân được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng này nếu để lâu hơn chút nữa sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Trước đó, Bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 64 tuổi tử vong vì tự ý sử dụng thuốc chứa corticoid. Bệnh nhân có tiền sử suy tuyến thượng thận mạn, loãng xương nặng, thoái hóa khớp trước khi được điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Vì người bệnh dùng thuốc giảm đau có chứa corticoid vô tội vạ trong thời gian dài dẫn đến suy tuyến thượng thận, giảm chức năng đề kháng, gây nhiễm trùng huyết và tử vong sau đó.
BSCKII Nguyễn Thế Hưng - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhân V. T.Q., sinh năm 2002 (ngụ ở Quận 12) nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị quằn quại, kèm nôn ói, sốt 38,5 độ. Ngay lập tức, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán. Kết quả, qua nội soi, CT-Scan bụng, X-quang bụng đứng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng và cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay. Nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày là viêm loét lành tính (stress, ăn uống, dùng thuốc kháng viêm có chứa corticoid ); ung thư; chấn thương (dao đâm) và thủ thuật can thiệp (nội soi tiêu hóa, dạ dày).
Một trường hợp tương tự, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp người bệnh nam 38 tuổi, bị thủng dạ dày do dùng nhiều thuốc giảm đau. Được biết, người bệnh bị đau thắt lưng nên đi khám và điều trị tại phòng khám tư bằng thuốc giảm đau đường uống và tiêm. Sau đó người bệnh nhập viện trong tình trạng bụng co cứng, đau bụng dữ dội vùng trên rốn. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị thủng tạng rỗng và cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay.
Lời cảnh báo từ bác sĩ
Theo BSCKI. Đặng Quốc Cường, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ), có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày là viêm loét lành tính và ung thư. Trong đó, viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài, dùng thuốc giảm đau chứa corticoid, lạm dụng rượu, bia,… Hiện nay, rất nhiều người bệnh uống thuốc chữa các bệnh xương khớp thường dễ bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày do sử dụng thuốc giảm đau có chứa corticoid kéo dài, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc.
Thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp bị đau bụng, loét dạ dày, chảy máu dạ dày... do dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm steroid và không steroid. Chỉ riêng Khoa Ngoại tiêu hóa tiết niệu mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bị chảy máu dạ dày, thủng dạ dày – tá tràng...
Đa phần bệnh nhân là người có tuổi, bị các bệnh đau đầu, đau lưng, đau khớp... tự ý dùng thuốc giảm đau thời gian dài. Do các bệnh lý gây đau không được điều trị dứt điểm, bệnh nhân càng lạm dụng thuốc giảm đau gây tác dụng phụ lên đường tiêu hoá. Ngoài ra, cũng có những trường hợp dùng lần đầu có thể bị.
Bác sĩ cảnh báo, thuốc giảm đau chống viêm có cả dạng tiêm và uống dễ mua trên thị trường. Nhiều người lạm dụng mà không lường trước hết hậu quả khôn lường do thuốc giảm đau gây ra. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày với biểu hiện nôn ra máu, đại tiện ra máu, đại tiện phân đen... Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc chỉ thấy bụng ậm ạch, khó tiêu... song khi nội soi đã thấy xung huyết, viêm loét cấp tính dạ dày – tá tràng (bệnh salami). Đặc biệt, đã có trường hợp bệnh nhân tử vong do lạm dụng các loại thuốc này.
PGS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, do có tác dụng nhanh nên nhiều người thường lạm dụng các loại thuốc giảm đau dẫn đến bị lệ thuộc. Bên cạnh thuốc giảm đau có tác dụng tốt cũng có những tác dụng phụ, khi dùng quá liều dẫn đến nhiều hệ lụy như paracetamol rất hại gan, aspirin hại cho dạ dày… do đó phải dùng rất cẩn thận. Khi người dân sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, hoặc nhóm giảm đau khác chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Nếu thấy bệnh tình càng nặng hơn, bệnh tái đi tái lại nhiều lần cần đến các bác sĩ thăm khám để quyết định việc dùng thuốc.
Bác sĩ Minh Tuấn- Trưởng khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng khuyến cáo thêm, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Người dân khi bị bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để kê đơn thuốc theo toa kê của bác sĩ, đồng thời điều trị tích cực để tránh biến chứng thủng hoặc xuất huyết nếu dạ dày bị loét.
Đa số loại thuốc giảm đau đều có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây chảy máu dạ dày. Thậm chí vết loét xuất hiện suốt thời gian dài mà không biểu hiện triệu chứng nào, cho đến khi dạ dày bị thủng hoặc xuất huyết nặng mới được phát hiện.
Khi có bệnh cần đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn. Khi bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau, người bệnh cần chú ý khai báo có cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp hoặc tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp.
Bên cạnh đó, một điểm lưu ý quan trọng là bệnh nhân tuyệt đối không được uống thuốc giảm đau khi đói vì có thể gây viêm, loét dạy dày, nặng hơn là xuất huyết, thủng đường tiêu hóa. Các loại thuốc giảm đau đều được khuyên dùng sau bữa ăn no. Bệnh nhân cũng không nên tuỳ tiện tăng liều thuốc giảm đau để phòng những biến chứng đáng tiếc.
Sau khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói… bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu. Những người có bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, viêm gan, sau khi uống cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác khác lạ cũng cần đến viện.
An Dương (T/h)