Liên tiếp phát hiện nhiều ca bệnh cấp cứu do tắc ruột sau khi ăn quả thanh trà
Cảnh báo: ChatGPT có thể sẽ là "vũ khí lừa đảo" nguy hiểm của tin tặc
Ủy ban châu Âu đề xuất tiêu chí kiểm soát 'quảng cáo xanh' đánh lừa người tiêu dùng
Lộ trình tiêu chuẩn mới của Châu Âu trong việc thúc đẩy triển khai phát triển hydrogen quy mô lớn
Mới đây, Bệnh nhân N.T.H. (48 tuổi, trú tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) cho biết, cách đây 5 ngày, bệnh nhân có ăn quả thanh trà và đã nuốt phải hạt. Khi đau bụng, bệnh nhân cũng không biết nguyên nhân vì sao. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, qua nội soi gắp dị vật ống tiêu hóa, các bác sĩ đã lấy ra một khối dị vật bao gồm hạt quả thanh trà và thức ăn bám xung quanh. Rất may, dị vật được lấy ra kịp thời nên chưa làm tổn thương thành ruột.
Hạt thanh trà nằm trong dạ dày bệnh nhân H
Một trường hợp khác cũng bị tắc ruột sau khi ăn quả thanh trà là bệnh nhân L.V.A (83 tuổi, ngụ huyện Xuyên Mộc) nhập viện vào sáng 24.3 trong tình trạng đau dữ dội, gồng cứng bụng. Kết quả CT cho thấy có 2 khối cản quang trong ruột non, nên bác sĩ chẩn đoán bị hoại tử ruột non do tắc, viêm dị vật đường tiêu hóa; đồng thời, tiến hành phẫu thuật cắt phần ruột bị hoại tử, lấy ra dị vật và lập lại lưu thông ruột non.
Hạt thanh trà có khối tròn, đường kính tương đối lớn và trơn nên không cẩn thận dễ bị nuốt hạt khi ăn. Ảnh minh họa
Trường hợp còn lại là bệnh nhân Đ.V.C (60 tuổi, ngụ huyện Châu Đức) nhập viện vào chiều 25.3 trong tình trạng đau bụng từng cơn và nôn ói. Qua chụp CT cho thấy có cản quang khối tròn tại vị trí van hồi - manh tràng, các quai ruột giãn ứ dịch và hơi. Vì vậy, bệnh nhân này được chẩn đoán tắc ruột non đoạn hồi - manh tràng do dị vật, được phẫu thuật lấy dị vật lập lại lưu thông ruột non.
Trong cả ba trường hợp, dị vật đều là hạt thanh trà do các bệnh nhân sơ ý nuốt vào. Rất may mắn sau khi phẫu thuật, sức khỏe của 2 bệnh nhân đều ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Theo bác sĩ Trần Anh Đức - Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bà Rịa, do hạt thanh trà có khối tròn, đường kính tương đối lớn và trơn nên không cẩn thận dễ bị nuốt hạt khi ăn.
Nếu không may nuốt các dị vật, người bệnh cần phải vào bệnh viện sớm để được bác sĩ chẩn đoán và nội soi dạ dày tá tràng... tiến hành gắp dị vật, hạn chế các biến chứng xảy ra (như hoại tử ruột, tắc ruột, thủng ruột) cho bệnh nhân. “Nhất là đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần lựa chọn các loại thức ăn, trái cây và các đồ chơi phù hợp, cũng như chú ý quan sát khi trẻ ăn và chơi nhằm hạn chế nuốt dị vật gây nguy hiểm” - bác sĩ Đức khuyến cáo.
Hiện đang là mùa thanh trà, thứ quả trông rất bắt mắt này có hạt tròn, trơn, rất dễ bị trôi vào ruột. Với đường kính to, lại cứng, nên nó chính là thủ phạm gây ra hiện tượng tắc đường tiêu hóa, thậm chí nếu để lâu hơn sẽ dẫn đến hoại tử đường ruột và những hậu quả khó lường khác.
Khánh Mai (t/h)