Nguy hại từ phân bón không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật

author 12:49 23/01/2024

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây tình trạng kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật tại nhiều tỉnh diễn biến phức tạp gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho cây trồng.

Liên tiếp xử phạt xơ sở kinh doanh phân bón vi phạm về chất lượng

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng một số tỉnh đã liên tiếp phát hiện và mạnh tay xử lý nhiều đại lý kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Trước đó, ngày 26/12/2023, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra đột xuất tại 01 cơ sở kinh doanh phân bón T.S, địa chỉ: ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy 01 mẫu phân bón gửi thử nghiệm và kết quả mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với chỉ tiêu K2Ohh đạt 92,5%, sai lệch so với mức đăng ký quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng là ≥ 93%. Đến ngày 22/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón T.S số tiền 20 triệu đồng. 

Ngoài cơ sở kinh doanh vi phạm trên, tỉnh Tây Ninh còn công bố danh sách một loạt hộ kinh doanh phân bón vi phạm gồm: Hộ kinh doanh do bà T.T.T.H làm chủ (địa chỉ tại đường Bời Lời, KP Ninh Phú, phường Ninh Thanh, TP Tây Ninh) có hành vi buôn bán phân bón giả; cửa hàng của ông V.T.T.S (địa chỉ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, TX Hòa Thành kinh doanh sản phẩm vi phạm là phân bón hỗn hợp NPK 30-10-10 (KLLH: 22 bao, NSX 8/3/2023, HSD 3 năm) của Công ty TNHH Tân Bá Long.

Cơ sở C.T tại ấp Trường Đức, xã Trường Đông, TX Hòa Thành cũng bị phát hiện về hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sản phẩm vi phạm là phân bón hữu cơ khoáng Chelax (KLLH: 22 chai, NSX 3/2/2023, HSD 3 năm) của Công ty TNHH TM Sinh thái An Phú. Cơ sở T.T ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu bị phát hiện hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sản phẩm vi phạm là phân bón hữu cơ FJ Thần Nông (KLLH 14 chai, NSX 27/7/2022, HSD 3 năm) của Công ty TNHH MTV Sinh học Phú Sĩ.

Phân bón giả, không đảm bảo chất lượng nguy hại khó lường cho cây trồng. Ảnh: Cục QLTT Tây Ninh

Còn tại tỉnh Long An, theo UBND tỉnh Long An, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 23 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng và 15 trường hợp kinh doanh phân bón giả.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 745 lượt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn, thu 213 mẫu (gồm mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vât; lúa giống; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;…) để kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Kết quả kiểm tra phát hiện có 4 mẫu phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; 7 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng... Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý 113 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An cũng tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về chất lượng. Điển hình như xử phạt Công ty Việt Úc với số tiền 450 triệu đồng; xử phạt Công ty phân bón Việt Hàn 142 triệu đồng; Công ty Sông Ngưu 118 triệu đồng; Công ty cổ phần SUMO Long An 54 triệu đồng...

Theo ngành chức năng tỉnh Long An, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay rất tinh vi. Một số công ty sản xuất phân bón theo hình thức khép kín, sản xuất theo đơn đặt hàng; lách luật bằng hình thức chưa hoàn thành công đoàn cuối cùng (hàng chưa thành phẩm), do đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Đắk Nông, các cơ quan chuyên môn tỉnh này cũng công bố hàng loạt các cửa hàng bị phát hiện hành vi "buôn bán phân bón giả". Cụ thể, Hộ kinh doanh Ngô Ngọc Anh, thôn ĐắK Hòa, xã Đắ Sắk, huyện Đắk Mil, kinh doanh phân bón Gia Phương Phúc trung lượng của Công ty TNHH SX TM DV Gia Phương Phúc. Hộ kinh doanh Trần Ngọc Chức, thôn Nghĩa Hòa, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa kinh doanh sản phẩm vi phạm là phân bón Siêu Canxi Bo-Kẽm của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Agri Viet; qua đó bị phạt 15 triệu đồng. Hộ kinh doanh Lê Văn Dương, tổ 1, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô đã có hành vi kinh doanh sản phẩm phân bón NPK bổ sung vi lượng BLOC KING của Công ty TNHH TCL DONA SAIGON, qua đó bị phạt hơn 6,3 triệu đồng.

Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thiên Hương Duyên (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) đã có hành vi kinh doanh sản phẩm vi phạm chất lượng là phân bón Grogreen NPK 10-4-40 của Công ty TNHH phân bón Bảo Minh. Với hành vi vi phạm kinh doanh phân bón giả, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thiên Hương Duyên bị phạt hơn 7,1 triệu đồng.

Nguy hại từ phân bón giả, không đạt chuẩn chất lượng

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón từ hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Trong đó, 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Từ số liệu trên cho thấy, phân bón giả, kém chất lượng đã hoang phí biết bao tiền bạc, mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng, biết bao gia đình không thể vượt qua cảnh nghèo túng, bao nhiêu diện tích đất đai cằn cỗi thêm mỗi mùa vụ.

Không chỉ thiệt hại về tiền, theo các chuyên gia nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng còn làm cho đất không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến 2-3 năm sau sẽ hư tổn và khó phục hồi. Phân bón giả, kém chất lượng thường sử dụng những hóa chất, nguyên liệu không phải chất dinh dưỡng để sản xuất. Do vậy sẽ đưa vào đất chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo các chuyên gia, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ trên bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật.

Phân bón giả, kém chất lượng luôn là nỗi lo của nông dân cũng như cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trên thực tế, nhiều đại lý vì cái lợi trước mắt đã mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thành thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại, hậu quả người nông dân phải trực tiếp gánh chịu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón Cục Bảo vệ thực vật biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 8 năm 2019, phân bón phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng chính, chỉ tiêu chất lượng bổ sung phải đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, mức sai lệch giữa kết quả thử nghiệm so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và mức sai lệch giữa kết quả thử nghiệm so với mức quy định được chấp nhận về chỉ tiêu chất lượng quy định tại Quy chuẩn này.

Ngoài chỉ tiêu chất lượng chính, chỉ tiêu chất lượng bổ sung phải đăng ký, tổ chức, cá nhân được đăng ký chỉ tiêu chất lượng bổ sung quy định tại Quy chuẩn này trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phân bón trong thành phần chứa một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có hàm lượng hoặc tổng hàm lượng ≥0,005% khối lượng phải đăng ký các chất điều hòa sinh trưởng trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; hàm lượng hoặc tổng hàm lượng (trường hợp có từ hai chất điều hòa sinh trưởng trở lên) chất điều hòa sinh trưởng trong phân bón phải nhỏ hơn 0,5% khối lượng.

Chỉ tiêu chất lượng phân bón công bố hợp quy phải đúng với chỉ tiêu chất lượng phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phân bón phải đáp ứng yêu cầu về yếu tố hạn chế quy định tại Quy chuẩn này. Đối với phân urê, phân amoni sulphat, phân amoni clorua, phân lân nung chảy, phân superphosphat đơn, phân superphosphat kép, phân superphosphat giàu, phân diamoni phosphat, phân urê-vi lượng, phân amoni sulphat-vi lượng, phân amoni clorua-vi lượng, phân lân nung chảy-vi lượng, phân superphosphat đơn-vi lượng, phân superphosphat kép-vi lượng, phân superphosphat giàu-vi lượng, phân diamoni phosphat-vi lượng phải đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam các yếu tố hạn chế và hàm lượng các yếu tố hạn chế đáp ứng quy định tại Quy chuẩn này và công bố hợp quy phải đúng với yếu tố hạn chế trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phân bón không được chứa hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp phân bón chứa chất sinh học có chức năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hoặc cải tạo đất đồng thời có chức năng phòng chống sinh vật gây hại phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật xem xét, công nhận trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đối với từng phân bón cụ thể.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang