Liên tục phát hiện cơ sở chế biến cà phê bẩn và độc hại

author 13:52 02/11/2014

(VietQ.vn) - Hàng loạt cơ sở sản xuất cà phê bẩn tiếp tục được đưa ra ánh sáng. Nghề làm ăn được cho là "thất đức" này đang tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe con người.

Chế biến cà phê…dưới sàn nhà dơ bẩn

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (công an TP.Đà Nẵng) đã phát hiện một cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bẩn, không đảm bảo vệ sinh trên đường Tôn Đản (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Cơ sở sản xuất này do ông Hồ Nhật Trường (31 tuổi, hộ khẩu thường trú Đắk Nông) làm chủ, có 8 công nhân làm thuê.

Chế biến cà phê không đảm bảo chất lượng

Chế biến cà phê nguyên liệu vương vãi dưới sàn nhà. Ảnh Zing 

Tại đây, các nhân viên đang sản xuất, chế biến cà phê bột cho tám loại nhãn hiệu cà phê như: Danacaphe, Đại Cát Long, Tây Thành, Gia Lai, Diamond… Tuy nhiên, chủ cơ sở này chỉ cung cấp hợp đồng gia công và công bố chất lượng sản phẩm của hai nhãn hiệu cà phê là: Danacaphe và Đại Cát Long, còn các sản phẩm khác không có hợp đồng cũng như các công bố chất lượng sản phẩm.

Ông Trường khai nhận đã tự đi in bao bì các nhãn hiệu này, sau đó chế biến cà phê đóng gói và đem đi tiêu thụ tại các địa bàn như: TP Quy Nhơn (Bình Định), TP Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) và tỉnh Đắc Nông.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện tại khu vực sản xuất cà phê của cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm như: sàn nhà dơ bẩn mất vệ sinh, nguyên liệu dùng để sản xuất để dưới sàn nhà không đảm bảo vệ sinh theo quy định…

Tổng số lượng nguyên liệu dùng để sản xuất cà phê tại cơ sở vào thời điểm kiểm tra là 1.000 kg (bao gồm: 700 kg cà phê hạt, 200kg đậu nành, 50 kg bắp, 30 kg caramel colour, 1,5kg muối, 30 kg bơ, 5 kg hương cà phê. Căn cứ vào phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 thì chỉ tiêu hàm lượng caffeine là 0,0062%, còn lại là các chất trộn lẫn, không phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật. 

Lực lượng chức năng tiến hành xác minh một số nhãn hiệu cà phê tại các tỉnh, thành phố thì được biết các nhãn hiệu này chưa được chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho một số nhân viên, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Coi thường cảnh báo, tiếp tục vi phạm

Trước đó không lâu, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột Nhất Thiên của ông Nguyễn Đình Quang (thôn 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột).

Đây là cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khu vực chế biến ở cơ sở này lụp xụp, dụng cụ là những thùng nhựa, thùng sắt dơ bẩn, thậm chí nguyên liệu được đựng trong những chiếc lốp cao su để bừa bộn, bốc mùi hôi rất khó chịu. Mỗi tháng, cơ sở này cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn cà phê bột.

Cơ sở sản xuất cà phê Nhất Thiên bừa bãi, không bảo đảm vệ sinh

Cơ sở sản xuất cà phê Nhất Thiên bừa bãi, không bảo đảm vệ sinh.Ảnh Người lao động

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ phát hiện đậu nành, bắp và các can đựng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc mà không có bất kỳ hạt cà phê nào trong kho. Về cách thức chế biến, chủ cơ sở cho rằng cứ trộn các hương liệu vào đậu, bắp sau khi rang xay rồi đóng gói là xong. Đối với những can hóa chất, chủ cơ sở cho biết mua tại các chợ trên địa bàn nhưng không biết cụ thể là hóa chất gì.

Ngoài sản phẩm Nhất Thiên, tại cơ sở này còn có một số bao bì sản phẩm cà phê bột khác, như: Ngọc Hà, Cảm, Chồn với những địa chỉ đăng ký khác nhau ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Theo chủ cơ sở, ngoài sản xuất cà phê có nhãn hiệu Nhất Thiên thì cơ sở còn nhận gia công theo yêu cầu của khách hàng.

Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk, cho biết: “Đầu năm 2014, nhận được phản ánh, đơn vị đã kiểm tra và nhắc nhở cơ sở này một lần. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra lại thì cơ sở này vẫn tiếp tục vi phạm nên chúng tôi yêu cầu tạm ngừng sản xuấtvà tạm giữ hơn 100 kg cà phê bột nhãn hiệu Nhất Thiên”.

Nguy cơ gây hại sức khỏe

Sau nhiều năm chế biến cà phê từ đậu nành, bắp và các loại hóa chất để cung cấp cho các quán cà phênhỏ, anh Đ. (ngụ TP Buôn Ma Thuột) quyết định bỏ nghề vì cho rằng “làm mãi như thế thất đức lắm”.

Anh tâm sự: Thật ra, để làm được cà phê “bẩn” còn khó hơn cả cà phê “sạch”. Cà phê “sạch” thành phần chủ yếu là cà phê, còn cà phê “bẩn” do hàm lượng cà phê rất ít hoặc không có nên người sản xuất phải cho các phụ phẩm theo tỉ lệ nhất định mới giống cà phê.“

Trước đây, cà phê bột chỉ có khoảng 10% thành phần là cà phê, còn lại là đậu nành, bắp và hóa chất. Làm cà phê “bẩn” cũng phải có “thương hiệu”, như độ sệt, độ bọt, độ đắng phải luôn ở một mức độ nhất định bằng hóa chất mua sẵn, để tăng độ sệt thì cho vào đó một ít keo chống thấm trong xây dựng. Dù hóa chất cho vào cà phê “bẩn” với tỉ lệ rất nhỏ nhưng nếu cứ vào cơ thể lâu ngày thì sẽ tổn hại sức khỏe, thậm chí gây ung thư” - anh Đ. cho biết.

Trên thị trường, loại tạo sệt có giá 95.000 đồng/kg, loại tạo đắng có giá 190.000 đồng/kg. Hai loại chất này rất mịn, loại tạo sệt có màu đen, loại tạo đắng có màu vàng đậm, đựng trong túi ni-lông không nhãn mác.

Linh Mỹ (Tổng hợp từ Zing, Pháp luật, Người lao đông)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang