Lừa đảo trúng thưởng không phải chiêu trò mới nhưng vẫn có người 'sập bẫy'

author 15:13 14/12/2023

(VietQ.vn) - Những tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mời và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà khiến nhiều người 'sập bẫy'.

Lừa đảo trúng thưởng không phải là chiêu trò mới nhưng vẫn không ít người “sập bẫy”. Đánh vào lòng tham con người, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra hàng loạt các trang web giả mạo, mạo danh các công ty/thương hiệu uy tín để đưa ra các chương trình trúng thưởng nhằm mục đích dụ dỗ người dùng cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng…

Lợi dụng thói quen comment đặt mua hàng trên Fanpage tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo dễ dàng có được nick Facebook của nhiều người, từ đó gửi các tin nhắn qua Messenger thông báo trúng thưởng các phần quá có giá trị như xe máy, điện thoại, tivi… Những tin nhắn này thường kèm theo một đường link lạ để truy cập vào trang web lừa đảo. Để nhận thưởng, khách hàng được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân thông qua việc điền form đăng ký nhận quà trên trang web này.

Trước những phần quà hấp dẫn, giá trị lớn, nhiều người sẵn sàng cung cấp thông tin và bỏ ra số tiền cọc từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, nhưng đáng tiếc, chỉ có quà ảo, còn tiền mất là thật.

Lừa đảo trúng thưởng nở rộ cuối năm người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân và có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tiền mà không nhận được bất ký phần thưởng nào cả. Việc để lộ thông tin cá nhân còn có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn như bị mạo danh để thực hiện các hành vi lừa đảo; hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử,…

Điển hình, mới đây anh H. Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh đã nhận được tin nhắn trên Messenger từ người lạ thông báo anh may mắn được chọn là người trúng thưởng Iphone14 kèm theo đường link đến một trang web yêu cầu anh điền các thông tin cá nhân để nhận thưởng. Vì phần quà hấp dẫn nên anh cũng không ngần ngại mà cung cấp thông tin ngay để đăng ký nhận quà.

Sau khi cung cấp thông tin cá nhân trên trang web, anh Trung nhận được cuộc gọi từ số lạ để xác nhận lại thông tin. Người này yêu cầu anh chuyển 2.000.000 vào một tài khoản ngân hàng cá nhân làm phí đảm bảo để được nhận quà. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh Trung không làm theo lời của đối tượng này. Anh Trung đã chia sẻ câu chuyện của mình với bạn bè và người thân để những người xung quanh đề phòng khi gặp phải những trường hợp tương tự.

Liên quan tới tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo số liệu thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023, đơn vị này đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. 

Trước thực trạng lừa đảo trực tuyến thường có xu hướng “bùng nổ” vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật về nhận diện các hình thức lừa đảo mới được cơ quan chức năng cảnh báo để tránh sập bẫy.

Ngoài ra, theo Cục An toàn thông tin cũng lưu ý, cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chiến dịch và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Do đó, người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức các chương trình trúng thưởng... để chiếm đoạt tài sản.

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng đồng thời lợi dụng thời điểm cuối năm, đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mới và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà. Tại đây, đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng nhiều khoản phí để tham gia và bảo đảm sẽ được nhận lại tiền và quà tặng. Tuy nhiên, càng về sau số tiền càng lớn, với mong muốn lấy lại số tiền trên, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân tải các ứng dụng độc hại về điện thoại nhằm chiếm quyền điều khiển và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng, cài các app trên điện thoại để lấy lại những số tiền mà chúng ta đã bỏ ra.

Cục An toàn thông tin cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân như triển khai xây dựng chuỗi series “Điểm tin tuần” với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật như tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; thúc đẩy phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng. Tiếp tục triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây, sẽ công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang