Luật sư nói gì về mức xử phạt doanh nghiệp phải đối mặt khi quảng cáo ‘trục lợi’ công dụng sản phẩm tiêu diệt Covid-19?

author 15:52 14/03/2022

(VietQ.vn) - Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên liên quan đến sự việc các doanh nghiệp quảng cáo “trục lợi” công dụng sản phẩm tiêu diệt Covid-19.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đua nhau cung cấp các sản phẩm ăn theo mùa dịch. Ngoài các loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng… nhiều sản phẩm điện tử (điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…) cũng được quảng cáo có khả năng ngăn ngừa, thậm chí tiêu diệt Covid-19.

Trong lúc không ít người tiêu dùng đổ xô đi mua các sản phẩm điện tử được quảng cáo có khả năng tiêu diệt Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương bất ngờ đăng tải thông tin khuyến cáo một số sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa và diệt virus Corona, Covid-19, Sars-Cov-2. 

Cụ thể, cơ quan này đã tiến hành rà soát và thu thập, đánh giá một số thông tin về sản phẩm đồ điện gia dụng. Trong đó, có các sản phẩm như Máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ; Máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; Quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; Máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng...

Công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ được quảng cáo có khả năng tiêu diệt và loại bỏ Covid-19.

 

 
 
Panasonic Việt Nam cũng nằm trong "danh sách đen" những doanh nghiệp quảng cáo "nổ" công dụng sản phẩm.

Với mục đích phản ánh tình trạng “nổ” công dụng các sản phẩm có khả năng tiêu diệt, ngăn ngừa Covid-19, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã thực hiện tuyến bài viết Khởi đăng loạt bài: Lật tẩy sản phẩm điện tử “thổi phồng” công năng diệt Covid-19, “trục lợi” trên nỗi sợ người dân, trong đó đi vào từng sản phẩm cụ thể: Thiết bị dùng công nghệ Airocide của Công ty Việt Mỹ có tiêu diệt được Covid-19 như quảng cáo?; Quảng cáo công nghệ lọc khí Nanoe™ X ức chế Covid-19, Panasonic Việt Nam căn cứ vào đâu?; Quảng cáo sản phẩm có khả năng diệt Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng có đang lừa dối người dùng?;

Đồng thời, nhằm mang đến cho độc giả thông tin đầy đủ nhất liên quan đến sự việc trên, PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước.

Theo ông, hành vi của các doanh nghiệp (như Cục CT&BVNTD đã nêu) có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh 2018 hay không? Cụ thể đã vi phạm những điều khoản nào?

Hành vi của các doanh nghiệp (như Cục CT&BVNTD đã nêu), nếu nhằm mục đích thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác, mà gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền lợi của các doanh nghiệp khác, là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, các doanh nghiệp không được thực hiện; đã được quy định cụ thể tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018:

“5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;”.

Theo khoản 1, Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi lôi kéo khách hàng bất chính sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền:

“1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;”.

Nếu hành vi này diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố khác, thì theo khoản 2, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi:

“2. Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.”

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung tại khoản 3 của Điều 20:

“3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.

Cũng theo Điều 20, khoản 4, doanh nghiệp còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

“a. Buộc cải chính công khai;

b. Loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm”.

Như vậy, hành vi lôi kéo khách hành bất chính của các doanh nghiệp, có thể bị xem xét, xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20, các khoản 1, điểm a, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Hiện nay, việc một doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm hàng hoá sẽ vi phạm những quy định pháp luật nào, mức xử phạt ra sao, thưa ông?

Hành vi quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm hàng hoá là một trong những hành vi đã bị nghiêm cấm tại khoản 7, Điều 109 Luật Thương mại:

“7. Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.”

và khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo: “9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Hành vi quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm, sẽ bị xử phạt tiền theo khoản 5, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá quảng cáo:

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.Đây là mức xử phạt đối với cá nhân.

Còn đối với doanh nghiệp,theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, doanh nghiệp nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi: 120.000.000 đồng – 160.000.000 đồng.

Điều 5. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức...

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 6; các điểm c, đ, e và g khoản 4 Điều 8; các khoản 1, 2 và 3 Điều 9; Điều 10; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”

Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, doanh nghiệp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại khoản 7, Điều 34:

“Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.”

Và sẽ bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 8, các điểm a và c như sau: a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thể lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để trục lợi, kinh doanh bất chính. Do đó, Cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi những hành vi quảng cáo trái pháp luật, và có những biện pháp xử lý phù hợp như: gửi văn bản cảnh báo, nhắc nhở hành vi quảng cáo trái phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp cố ý không thay đổi nội dung, hình thức quảng cáo cho đúng quy định của pháp luật.

Những việc làm này sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, củng cố được niềm tin của khách hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chân chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phong Lâm – Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang