"Lùm xùm" cư dân Keangnam với Công ty bất động Savills

author 09:37 04/10/2013

Điều khiến các chủ căn hộ khẳng định là giấy xác nhận “khống” bởi giữa Cty Keangnam và sàn Savills không có hợp đồng bán hàng qua sàn mà giữa Cty Keangnam và Cty Savills chỉ ký “thỏa thuận đại lý bán căn hộ”.

Hợp đồng ký trước khi sàn thành lập

Phản ánh tới PV, chủ nhân của 10 căn hộ tại dự án Keangnam Hà Nội Landmark Tower do Công ty TNHH Một thành viên Keangnam Vina (gọi tắt là Cty Keangnam) làm chủ đầu tư khẳng định không giao dịch qua Sàn giao dịch BĐS Savills Việt Nam (gọi tắt là sàn Savills). Tuy nhiên, khi các khách hàng có tranh chấp với Cty Keangnam thì một số khách hàng lại nhận được xác nhận đã giao dịch qua sàn của bà Nguyễn Diệu Hồng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Savills Việt Nam (gọi tắt là sàn Savills).

Tòa nhà Keangnam

Anh Nguyễn Đắc Kết, chủ căn hộ B4511 cho biết: “Tôi chỉ đến xem và tìm hiểu dự án, thực hiện giao dịch mua căn hộ trực tiếp với Keangnam tại Khu Căn hộ Mẫu K1 Mễ Trì, đây cũng là địa chỉ đăng ký trụ sở chính của Keangnam trong Giấy chứng nhận đầu tư. Trong suốt quá trình tìm hiểu, giao kết hợp đồng tôi làm việc trực tiếp với ông Ha Jong Suk, chủ tịch Cty Keangnam chứ không hề làm việc với bất kỳ nhân viên nào của Sàn Savills”. Điều này cũng được nhiều khách hàng khác đã mua căn hộ phản ánh.

Chị Đoàn Ngọc Thu, chủ 3 căn hộ B3305, 3306 và 3307 bức xúc: Việc Cty Keangnam không bán nhà qua sàn khiến nhiều thông tin căn hộ của dự án không được rõ ràng, khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể, khi đi xem nhà mẫu đã có đầy đủ nội thất (giường, tủ, bàn ghế…) thì không hề có cột, hộp kỹ thuật, hộp phòng cháy chữa cháy. Tại bản vẽ mô tả căn hộ đính kèm trong hợp đồng Cty Keangnam cũng không chú thích đâu là cột, hộp kỹ thuật, bản vẽ không có tỷ lệ, kích thước theo quy định của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, bản vẽ mặt bằng của từng tầng thì lại tuân thủ đầy đủ các quy định này, có kích thước, có tỷ lệ, có chú thích, có ký hiệu đối với phần tường, cột và hộp kỹ thuật.

Vì thế, khách hàng không thể nhận ra trong diện tích căn hộ mà mình đã trả tiền lại có cả những phần diện tích tường, cột chịu lực, hộp kỹ thuật mà theo quy định tại Luật Nhà ở thì đó là những phần thuộc sở hữu chung.

Theo phản ánh, đối với căn hộ ký hợp đồng mua bán năm 2008, thời điểm áp dụng quy định tại Thông tư 05/2006/TT-BXD ngày 1/11/2006 của Bộ Xây dựng thì diện tích sàn căn hộ không bao gồm diện tích mặt bằng tường, khung cột chung và diện tích sử dụng chung của nhà chung cư (trong khi đó Cty Keangnam tính diện tích theo phương pháp phủ bì). Và nếu tính theo quy định này của Bộ Xây dựng thì trung bình với căn hộ 107,8m2, diện tích thiếu hụt so với hợp đồng là 14,6m2. Với mức giá trung bình khoảng 3.000 USD/m2 thì số tiền khách hàng đã nộp cho phần diện tích thiếu hụt là không nhỏ.

Đang bức xúc về việc diện tích bị thiếu hụt, bỗng dưng lại nhận được xác nhận đã giao dịch mua bán căn hộ qua sàn Savills khiến các chủ căn hộ càng bức bối hơn, họ cho rằng Công ty TNHH Savills Việt Nam (gọi tắt là Cty Savills) và sàn Savills đã làm “khống” giấy xác nhận giao dịch qua sàn để cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước và các khách hàng.

Điều khiến các chủ căn hộ khẳng định là giấy xác nhận “khống” bởi giữa Cty Keangnam và sàn Savills không có hợp đồng bán hàng qua sàn mà giữa Cty Keangnam và Cty Savills chỉ ký “thỏa thuận đại lý bán căn hộ”.

Savills nói gì?

Trước những phản ánh bức xúc trên của khách hàng, PV Infonet đã có buổi làm việc với đại diện của Cty Savills và sàn Savills về những vấn đề liên quan.

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội xác nhận Cty Savills có ký kết đại lý độc quyền bán căn hộ với Cty keangnam vào ngày 25/1/2008, số HĐ 006/2008AG-sales.

Theo ông Trung, các giao dịch của Cty Keangnam và các khách hàng nêu trên đủ điều kiện để được coi là giao dịch qua sàn BĐS, bởi tại Thông tư 13/2008/TT-BXD có quy định nêu rõ: chủ đầu tư có thể tự thành lập sàn giao dịch hoặc lựa chọn sàn BĐS cho đơn vị khác thành lập để giới thiệu BĐS và thực hiện các giao dịch BĐS. Việc Cty Keangnam đã lựa chọn sàn BĐS Savills để tiến hành các giao dịch căn hộ là đáp ứng đúng yêu cầu của pháp luật.

Ông Trung cũng cho biết: Cty Savills đã công khai các căn hộ trong 7 ngày từ ngày 29/7/2008 đến ngày 5/8/2008 đồng thời tư vấn hỗ trợ Cty Keangnam đăng tải thông tin bán căn hộ trên Thời báo Kinh tế Việt Nam tại ba số báo liên tiếp các ngày 31/7, 1/8 và 2/8/2008. Đăng thông báo trên đài truyền hình HN ngày 1/8/2008. Như vậy đáp ứng yêu cầu pháp luật.

“Căn cứ dấu hiệu giao dịch BĐS qua sàn, khả năng khách hàng không làm việc trực tiếp với nhân viên Savills nhưng giao dịch khách hàng vẫn đảm bảo điều kiện như giao dịch qua sàn BĐS Savills vì hợp đồng Savills ký với Cty Keangnam là “độc quyền”, Savills có trách nhiệm cho tất cả các công việc bán hàng.

Trong trường hợp khách hàng trực tiếp đến gặp và làm việc với chủ đầu tư là Cty Keangnam để tìm hiểu lựa chọn căn hộ, ký kết hợp đồng thì Savills vẫn chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục hành chính theo đúng quy trình bán hàng đã được 2 bên thống nhất từ trước. Cụ thể, Savills sẽ tham gia vào các khâu quan trọng gồm: xác nhận lựa chọn chuẩn bị đặt cọc, chuẩn bị hợp đồng, lưu hợp đồng, quản lý việc thanh toán” ông Trung nói.

Về các trường hợp hợp đồng mua căn hộ của họ được ký từ năm 2008, tức là trước thời gian sàn Savills  được thành lập (tháng 5/2009), ông Trung cho biết: “Thông tin sàn được thành lập vào tháng 5/2009 là đúng nhưng chưa đủ vì trên thực tế chúng tôi được phép vận hành sàn BĐS từ tháng 9/2007”.

Vị này lập luận: Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực ngày 1/1/2007, vấn đề thành lập sàn giao dịch BĐS được quy định khá chung chung là sàn giao dịch BĐS trước khi hoạt động phải thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.

Theo quy định này, cùng hướng dẫn của Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Savills đã đăng ký tham gia Mạng các sàn giao dịch BĐS VN và đã được Cục này công nhận là thành viên chính thức của mạng các sàn BĐS từ ngày 27/9/2007.

“Căn cứ quy định này, chúng tôi hiểu sàn giao dịch BĐS Savills được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập ngay từ năm 2007”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo vị Phó giám đốc này thì khi Thông tư 13 ban hành có hiệu lực thì việc thành lập sàn BĐS cụ thể hơn, nên ngày 11/7/2008, Savills đã nộp lại hồ sơ thành lập sàn BĐS Savills đến Bộ Xây dựng. Song, đến đầu năm 2009 mới có hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan. Đến ngày 29/4/2009, Savills mới được Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy phép hoạt động của sàn Savills.

Do đó, ông Trung cho rằng, việc cấp xác nhận qua sàn BĐS của bà Thu và ông Kết vào năm 2008 là phù hợp với pháp luật và chức năng hoạt động của Savills.

Liên quan đến xác nhận của giám đốc sàn Savills nhưng con dấu lại của Cty Savills, ông Trung lý giải: theo quy chế hoạt động sàn BĐS của Savills ban hành ngày 14/8/2008, sàn BĐS Savills sử dụng tư cách pháp nhân của Cty Savills và được sử dụng con dấu của Cty Savills để giao dịch các chức năng hoạt động.

Quy chế này phù hợp với điều khoản trong Thông tư 13: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập sàn giao dịch BĐS thì sàn giao dịch đó phải có tư cách pháp nhân riêng hoặc sử dụng tư cách pháp nhân của doanh nghiệp đó để hoạt động.

Do đó, đại diện Savills cho rằng, với chức vụ của bà Nguyễn Diệu Hồng là giám đốc sàn thì việc ký giấy xác nhận giao dịch qua sàn BĐS và đóng dấu của Cty Savills là hợp lệ.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang