Minh bạch nguồn gốc để phát triển bền vững nông sản Việt

author 07:23 03/12/2020

(VietQ.vn) - Trong quá trình tiêu thụ đối với mặt hàng nông sản, yêu cầu đầu tiên và cốt yếu phải có là thông tin về doanh nghiệp và những sản phẩm của doanh nghiệp cần phải được minh bạch, rõ ràng…

Thực tế, khi hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng hóa nông sản thực phẩm nói riêng có chỗ đứng xứng đáng ở thị trường nội địa, cạnh tranh tốt với hàng ngoại nhập sẽ là tiền đề tốt để vươn ra xuất khẩu, khi Việt Nam đang gia nhập sâu vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Minh bạch nguồn gốc để phát triển bền vững nông sản Việt. Ảnh minh họa. 

Mặc dù vậy, để làm tốt hơn nữa vai trò cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong bối cảnh mới, đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp cung ứng và hệ thống tiêu thụ cần phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, có như vậy mới tạo ra một hệ thống vững chắc cho hàng Việt, tạo lập vị thế mới trên thị trường.

Như câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Mega Market cho rằng, yêu cầu đầu tiên và cốt yếu phải có là thông tin về doanh nghiệp và những sản phẩm của doanh nghiệp đó. Những thông tin này cần phải được minh bạch, rõ ràng, đúng quy trình thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền.

“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những đối tác cung cấp sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận về vệ sinh ATTP như Global Gap, VietGap và những thông tin này yêu cầu phải rõ ràng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối đòi hỏi nhiều về quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có gắn với việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng”, ông Toàn cho biết.

Các chuyên gia cũng cho biết, các nhà sản xuất cũng phải rất cần lưu ý đến việc đóng gói, bao bì tem nhãn đối với sản phẩm. Khi tham gia các hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành, nhiều sản phẩm của chúng ta vẫn được bao gói rất đơn sơ, để trong túi ni lông với một vài thông tin sơ sài về cơ sở sản xuất, số điện thoại liên lạc cũng không có,... Những sơ suất không đáng có như vậy chắc chắn sẽ khiến việc đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, siêu thị lớn của nước ngoài sẽ là rất khó.

Mặt khác, quá trình từ sơ chế biến, đóng gói, lưu thông sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường phải trải qua cả một khoảng thời gian. Nếu bao bì không đảm bảo, sẽ không thể chắc chắn rằng sản phẩm đó dù được sản xuất tốt, nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại không đảm bảo chất lượng. Nếu quá trình đó có những rủi ro, đương nhiên các hệ thống siêu thị có hệ thống kiểm soát về chất lượng rất cao sẽ rất khó để chấp nhận sản phẩm cung ứng trong những lần sau.

Ngoài ra, hiện nay khi nhiều hệ thống siêu thị triển khai bán hàng đa kênh, chú trọng bán hàng online, người tiêu dùng không có cơ hội tương tác trực tiếp với sản phẩm, vì thế đòi hỏi các đơn vị cung cấp cũng như các đơn vị phân phối, phải đảm bảo cam kết một cách tốt nhất đối với những sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.

Đồng thời, kết nối tiêu thụ nông sản phải có những "bà đỡ" bằng sự hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. Khi đó sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.

Hà Nội: Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP (VietQ.vn) - Hội chợ Nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP thu hút trên 120 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là điểm nhấn trong việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang