Một lãnh đạo Phân lân Ninh Bình từng vi phạm gì trong kết luận kiểm toán tại Vinachem?

author 09:52 20/03/2019

(VietQ.vn) - Còn nhớ, Kiểm toán Nhà nước từng phát hiện nhiều sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đồng thời đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của một loạt cá nhân. Đáng chú ý, một cái tên được nhắc đến là ông Nguyễn Ngọc Thạch, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình (thuộc Vinachem).

3 cổ đông lớn nắm đến gần 72% vốn

Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình (mã CK: NFC) tiền thân là Nhà máy phân lân Ninh Bình, được thành lập năm 1977. Từ ngày 1/01/2005 chuyển sang mô hình công ty cổ phần trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối 51% vốn điều lệ. Đây là một trong bốn doanh nghiệp sản xuất phân lân lớn nhất của Việt Nam, là doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). 

Bản cáo bạch niêm yết của NFC cho biết, công ty mẹ và là cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu 51%. Công ty còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Phạm Mạnh Ninh (Chủ tịch HĐQT) với tỷ lệ sở hữu 10% và Công ty TNHH Hoàng Ngân với tỷ lệ sở hữu 10,82%. 

Một điểm đáng lưu ý, người đại diện pháp  luật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ngân là ông Nguyễn Ngọc Thạch. Ông Thạch cũng là thành viên HĐQT của Phân Lân Ninh Bình, nắm giữ 0,21% cổ phần tại NFC.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Thạch cũng là Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, nắm giữ 0,03 % cổ phần.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch từng có sai phạm gì trong vụ Vinachem?

Còn nhớ vào năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận hàng loạt sai phạm về kinh tế và sai sót, tồn tại trong quản lý đầu tư xây dựng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Các cá nhân bị Kiểm toán nhà nước đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Vật tư, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Lao động - tiền lương và tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm phát hiện qua kiểm toán.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước xác định việc quản lý tiền nhàn rỗi tại Vinachem chưa hiệu quả; quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ tồn đọng, nợ quá hạn, nợ khó đòi; mua sắm vật tư, nguyên nhiên - vật liệu không đấu thầu công khai, minh bạch; nhập than không chứng minh được nguồn gốc; kiểm kê còn hình thức; trích thiếu khấu hao tài sản cố định; trích trước chi phí, phân bổ chi phí và trích lập, quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ không đúng quy định.

Đi sâu làm rõ, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc tiêu thụ tro xỉ tại tập đoàn này không đấu giá công khai, minh bạch; chưa có quy chế bán hàng; cam kết trả lãi vay đối với tiền nhận ký quỹ không đúng; ký kết hợp đồng bán hàng không chặt chẽ; kiểm kê, đo đạc, đánh giá sản phẩm dở dang, trích trước chi phí, phân bổ chi phí vào giá thành chưa được chính xác, còn mang tính tương đối, ước tính; quản lý nguyên vật liệu, nhiên liệu tiêu hao vào sản xuất chưa chặt chẽ dẫn đến vượt định mức cho phép; đầu tư tài chính ngoài ngành nghề chính (tài chính, bảo hiểm, chứng khoán) không hiệu quả, chậm thoái vốn, không tuân thủ theo Nghị quyết của Tập đoàn (Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc).

Ngoài ra, tại Vinachem còn để xảy ra việc khai thác khoáng sản không đúng theo thiết kế mỏ, không đúng giấy phép khai thác; khai thác khi chưa được cấp giấy phép; gia hạn giấy phép khai thác chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục; không hạch toán quặng apatit đã khai thác chưa nhập kho, kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Cơ quan kiểm toán kiến nghị tập đoàn này xét trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Ban Đầu tư xây dựng, Chủ đầu tư, Người ra quyết định đầu tư, Giám đốc các ban quản lý dự án, Tổ chuyên gia xét thầu và tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót, tồn tại trong quản lý đầu tư xây dựng. Không đảm bảo năng lực vẫn xem xét trúng thầu tại Gói thầu số 7C thuộc Dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm vẫn xem xét trúng thầu tại Gói thầu số 13 thuộc Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe tải Radian của Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Ngọc Thạch, Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình và bà Đỗ Thúy Ngọc, Ủy viên Ban Kiểm soát Công ty CP Xà phòng Hà Nội trong việc không kê khai các lợi ích liên quan với doanh nghiệp, không thông báo cho Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên, không niêm yết, lưu giữ bản kê khai tại trụ sở chính của doanh nghiệp về các hợp đồng có lợi ích xung đột theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, có điều lạ, đến nay, những kiểm điểm về trách nhiệm cá nhân nêu trên, điển hình là người giữ nhiều chức vụ như ông Nguyễn Ngọc Thạch đều không được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý, mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 được tổ chức vào cuối tháng 4/2018, ông Nguyễn Ngọc Thạch vẫn được bầu vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng và Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình để tìm hiểu về sự việc này.

Còn tiếp...

An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang