Một số khu vực của Hà Nội tiếp tục có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm

author 19:33 28/12/2023

(VietQ.vn) -Theo ứng dụng PAM Air, sáng ngày 28/12/2023 chỉ số ô nhiễm không khí một số khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe.

Sáng 28/12, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), chất lượng không khí một số khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe.

Điển hình điểm đo tại khu Vườn Dâu - Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 408, chỉ số bụi mịn PA 2.5 là 362,5. Điểm đo tại Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân có chỉ số 355, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 342,4. Đây là mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực; khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

 Tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội tiếp tục diễn biến xấu. Ảnh: Tiền Phong

Một số khu vực khác của Thủ đô Hà Nội, ở mức ô nhiễm thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe như điểm đo Chùa Láng (quận Đống Đa) có chỉ số 297; điểm đo tại Đội Cấn (quận Ba Đình) có chỉ số 283; điểm đo Colibri Hà Nội (quận Tây Hồ) là 281… Tại mức chỉ số 201 - 300, ô nhiễm không khí rất có hại, cảnh báo tình trạng khẩn cấp tới sức khỏe người dân trong khu vực; khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường.

Không riêng gì Thủ đô Hà Nội, ứng dụng này ghi nhận ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng, điển hình là Bắc Ninh. Các điểm đo tại huyện Thuận Thành, Thư viện Khu phố Trang Liệt (thị xã Từ Sơn), Thư viện tỉnh Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh) lần lượt có chỉ số ô nhiễm không khí là 286, 230 và 226.

Theo số liệu từ hệ thống quan trắc không khí của Hà Nội sáng 27/12 cũng cho thấy, chất lượng không khí (AQI) hiện ở mức xấu. Cụ thể, cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiển thị AQI mức 100-300, tương đương mức kém đến rất xấu.

Trong đó chủ yếu ở mức xấu, 4 trạm mức rất xấu gồm số 36 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm AQI 239; đường Phạm Văn Đồng - Bắc Từ Liêm 212; Cầu Diễn - Nam Từ Liêm 204, Tứ Hiệp - Thanh Trì 202. Càng về trưa, chỉ số AQI có dấu hiệu xấu hơn.

Cùng lúc này hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir xếp Thủ đô Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới với chỉ số AQI là 204, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 239. 

 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
 

Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí cá nhân Pam Air ghi nhận hàng chục điểm chỉ số AQI vượt 300, cảnh báo nguy hiểm, mọi người nên ở trong nhà. Theo hệ thống này, cá biệt có điểm đo tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh chỉ số AQI lên 413, quận Thanh Xuân 379, Đội Cấn (Ba Đình) 376.

Theo Ngân hàng thế giới và UBND TP. Hà Nội, hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.

Theo các chuyên gia môi trường, chất lượng không khí như trên do thời tiết ít mưa, có sương mù. Người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống. Khi theo dõi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động, tập thể dục ở ngoài trời.

Khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi mịn; đeo khẩu trang đúng quy cách; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu…

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, mới đây Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang