Mượn xe hợp pháp không vi phạm thì không xử lý

author 10:06 11/11/2012

(VietQ.vn) - Trường hợp mượn xe thì người mượn khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe hợp lệ là được. Những trường hợp cho mượn xe hợp pháp đi không vi phạm gì thì không bị xử lý.

Ông Nguyễn Kim Hải - phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức, công tác thanh tra kiểm soát giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho rằng đây là một quy định đã có từ lâu và nay Nghị định 71 (sửa đổi bổ sung Nghị định 34) chỉ tăng mức phạt tiền hành vi này (100.000-200.000 đồng lên thành 800.000-1.200.000 đồng/xe máy và 1-2 triệu đồng lên mức 6-10 triệu đồng/ô tô) chứ không phải là cấm hay xử phạt hành vi đi xe không chính chủ như dư luận lo ngại.

“Mọi người có giấy phép lái xe theo quy định đều có thể mượn xe của bạn bè, người thân để đi một cách bình thường mà không bị xử phạt. Khi CSGT kiểm tra thì người mượn xe cũng không phải có trách nhiệm chứng minh rằng đó là xe đi mượn, mượn của ai hay phải có giấy tờ chứng thực đi mượn…” - ông Hải khẳng định.
 
Cũng theo ông Hải, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện chỉ áp dụng khi mua bán xe mà không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo pháp luật quy định.
Phòng CSGT Công an Hà Nội cho rằng, người dân đã có sự hiểu nhầm trong việc xử phạt theo nghị định 71
Phòng CSGT Công an Hà Nội cho rằng, người dân đã có sự hiểu nhầm trong việc xử phạt theo nghị định 71
 
Tuy nhiên, việc xử phạt này theo ông Hải là không hề dễ dàng. Bởi CSGT phải căn cứ vào thông báo của chủ xe rằng chiếc xe đó đã được bán, chuyển nhượng sang cho người khác. Căn cứ vào thông báo đó và nếu quá 30 ngày mà người mua chưa thực hiện việc chuyển quyền sở hữu thì khi đó CSGT phát hiện mới xử phạt được. Còn nếu người bán không thông báo và người mua cũng không thực hiện quyền sở hữu phương tiện thì lúc đó không có căn cứ để xử phạt.
 
Xem video xử phạt theo nghị định 71 tại đây -> vietq.vn/video
 
Chiều tối 10/11, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội, cũng đã gặp gỡ báo chí để nói lại cho rõ thông tin CSGT Hà Nội ra quân thực hiện Nghị định 71, trong đó có nội dung xử lý đối với phương tiện giao thông không chuyển quyền sở hữu theo quy định. Theo ông Thắng, dư luận đã có sự hiểu lầm giữa hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định với việc đi xe không chính chủ.
 
Sau ngày đầu ra quân xử phạt theo Nghị định 71 Đại tá Thắng cho biết có 317 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý. Trong đó, 55 trường hợp vi phạm về tốc độ, 29 trường hợp vi phạm đi sai làn đường, 18 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, cùng các lỗi vi phạm khác.
 
Đối với lỗi phạt không sang tên đổi chủ phương tiện, theo ông Thắng, do mới ngày đầu thực hiện nên lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Đặc biệt là đối với những trường hợp người ngoại tỉnh lần đầu về Hà Nội chưa nắm rõ về NĐ 71, người lớn tuổi, học sinh sinh viên, phụ nữ mới vi phạm lần đầu được nhắc nhở. 
 
Tuy nhiên, nếu vi phạm lần hai sẽ bị xử phạt theo đúng quy định. Các trường hợp lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người đi đường sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
 
Ông Thắng cũng giải đáp thắc của đông đảo người dân về thủ tục sang tên đổi chủ. Theo đó, khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe: “Xe mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển; nhưng chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định”.
 
Theo đó, các chủ phương tiện sau khi mua, bán trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Bán xe xong, chủ phương tiện cũng phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên.
 
Trường hợp phương tiện được mua bán qua nhiều chủ, thì người đang sử dụng phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định.
 
Trường hợp mượn xe thì người mượn khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe hợp lệ là được. Đối với người điều khiển ô tô còn phải có tem kiểm định, sổ kiểm định kỹ thuật an toàn. Những trường hợp cho mượn xe hợp pháp đi không vi phạm gì thì không bị xử lý. 
 
Với trường hợp người bán xe đã mất hoặc thất lạc giấy tờ thì người mua sau cùng không chứng minh được đấy là tài sản của mình sẽ không được đăng ký lại. Những trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị lập biên bản để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Mai Anh Tuân (t/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang