Mỹ cấp phép thuốc có thể 'điều khiển' hệ miễn dịch cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư phổi

author 15:51 21/05/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép cho thuốc điều trị ung thư phổi có giá gần 20 tỷ đồng. Loại thuốc này được bán trên thị trường với cái tên tarlatamab.

Theo thông tin từ Reuters, vào ngày 16/5 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép cho thuốc điều trị ung thư phổi của công ty dược phẩm Amgen dành cho người lớn ở giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ khó điều trị dù đã trải qua hóa trị.

Loại thuốc này được bán trên thị trường với cái tên tarlatamab - liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu sử dụng kháng thể đặc hiệu được gắn vào tế bào ung thư và tế bào miễn dịch. Từ đó "điều khiển" hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư.

Kết quả từ thử nghiệm giai đoạn gữa được công bố vào năm 2023 trên Tạp chí Y học New England cho thấy các khối u đã giảm ở 40% bệnh nhân nhận 10 mg tarlatamab bằng cách truyền tĩnh mạch hai tuần/lần.

Amgen cho biết giá Imdelltra tại Mỹ là 31.500 USD (khoảng hơn 800 triệu VNĐ) cho chu kỳ đầu tiên và 30.000 USD (khoảng 763 triệu VNĐ) cho các chu kỳ điều trị bổ sung tiếp theo. Chi phí điều trị một năm có thể lên tới 781.500 USD (khoảng 19,8 tỷ đồng).

Công ty cũng thông tin thêm, các bệnh nhân thử nghiệm được điều trị trong thời gian trung bình hơn 5 tháng. Bệnh nhân trong nghiên cứu có thời gian sống trung bình là 14,3 tháng, cao hơn so với tiên lượng thông thường là khoảng 5 tháng.

Loại thuốc điều trị ung thư phổi Mỹ cấp phép có giá lên tới 20 tỷ. Ảnh minh họa

Trên The New York Times, bà Martha Warren, 65 tuổi (Westerly, Washington, Rhode Island, Mỹ) chia sẻ, vào năm ngoái bà đã phát hiện bản thân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ. Sau khi tìm hiểu, bà nhận ra rằng hầu hết các bệnh nhân đều không thể kéo dài cuộc sống quá lâu.

Khi căn bệnh ung thư đang phát triển nhanh, bà đã được nhận tham gia vào nghiên cứu của Amgen và bắt đầu đến Yale để truyền thuốc. Gần như ngay lập tức, căn bệnh ung thư của bà có tiến triển một cách đáng kể.

Bà Warren cho hay: “Tôi cảm thấy cơ thể mình trở lại trạng thái bình thường như trước khi mắc bệnh. Loại thuốc này thực sự rất đáng để kỳ vọng."

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, chỉ có 15% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi tế báo nhỏ. Loại ung thư này có khả năng điều trị và tiên lượng xấu do tế bào ung thư phát triển nhanh và thường di căn sớm. Đây cũng là đối tượng điều trị mà Imdelltra nhắm đến.

Jay Bradner - Giám đốc khoa học của Amgen, cho biết, có khoảng 35.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc căn bệnh này mỗi năm, là một trong những bệnh ung thư tăng sinh nhanh nhất, hung hãn nhất.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, tác dụng phụ thường gặp nhất của phương pháp điều trị là hội chứng giải phóng cytokine - một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh mẽ với tác nhân gây nhiễm trùng hoặc thuốc trị liệu miễn dịch.

Amgen cho biết họ sẽ phải hoàn thành thêm các thử nghiệm quan trọng và lớn hơn trong việc điều trị cho bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn muộn để nhận được sự chấp thuận hoàn toàn của FDA đối với loại thuốc này. Công ty cũng đang thử nghiệm tarlatamab để điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn đầu. Nếu các thử nghiệm này thành công, các nhà phân tích Phố Wall cho biết tarlatamab có thể mang lại cơ hội kiếm về doanh thu hơn 2 tỷ USD hàng năm cho công ty.

Trước đó nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England cho thấy, loại thuốc mới dành cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu ngăn ngừa di căn, giảm đáng kể nguy cơ tử vong. Nghiên cứu trên đăng tải trên Tạp chí Y học New England Journal of Medicine đã nêu những kết quả khả quan của loại thuốc mới đang được phát triển để điều trị ung thư phổi. Kết quả cho thấy, uống 1 viên thuốc mỗi ngày sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ giảm 51% nguy cơ tử vong. Loại thuốc điều trị ung thư phổi này chính là Osimertinib.

Trong nghiên cứu thử nghiệm trên 682 bệnh nhân, 339 bệnh nhân được uống thuốc osimertinib (80 mg mỗi ngày 1 lần) do AstraZeneca sản xuất (tên gọi là Tagrisso), nửa còn lại dùng giả dược. Ước tính, 88% bệnh nhân được điều trị bằng thuốc osimertinib còn sống sau 5 năm so với 78% ở nhóm 343 người điều trị bằng giả dược. Nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc osimertinib làm giảm 51% nguy cơ tử vong do ung thư phổi so với giả dược.

Phương pháp điều trị này nhắm tới dạng ung thư phổi phổ biến nhất, trong đó đột biến EGFR ảnh hưởng tới 10-25% bệnh nhân ung thư phổi ở Mỹ và châu Âu, và 30-40% bệnh nhân ung thư phổi ở Châu Á.

Liên quan tới căn bệnh ung thư phổi, theo ghi nhận hiện nay các nước Châu Á đang chịu gánh nặng ung thư phổi lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm, ước tính có hơn 180.000 ca ung thư mới mắc, trong đó có khoảng 26.000 ca là ung thư phổi.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc bệnh viện Phổi TW cho biết, chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tại Việt Nam và Châu Á là phát hiện chẩn đoán sớm khi mà các bác sỹ có thể chỉ định các phác đồ điều trị có hiệu quả cao, thậm chí là khỏi hẳn tức là phát hiện sớm ung thư phổi thì bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi cao hơn.

Tại Việt Nam, việc sàng lọc ung thư phổi bằng chụp CT phổi liều thấp đã được khuyến cáo trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ" của Bộ Y tế từ năm 2018, tuy nhiên việc thực hành đến nay còn nhiều hạn chế. Khuyến nghị được đồng thuận của các chuyên gia khu vực Châu Á một lần nữa thúc giục chúng ta phải hành động tích cực, khẩn trương hơn nữa, trong đó quan trọng nhất là cần áp dụng phương pháp sàng lọc với CT liều thấp như một công cụ sàng lọc chính.

Mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu nhưng ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc lại chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt là ở phụ nữ Châu Á. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở Châu Á cao hơn so với Châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc ở Châu Á có xu hướng được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với những người đang hút thuốc và người đã từng hút thuốc. Do đó, các chuyên gia đồng thuận rằng cần hỗ trợ bệnh nhân có nguy cơ cao tiếp cận các quy trình sàng lọc bất kể tình trạng hút thuốc của họ bằng cách xem xét các yếu tố như di truyền và nhân khẩu học.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang