Mỹ thu hồi kẹo của Công ty Dinstuhl's Fine Candy do nguy cơ gây dị ứng

author 14:41 03/05/2025

(VietQ.vn) - Ba sản phẩm kẹo do Công ty Dinstuhl's Fine Candy tại Tennessee sản xuất đang bị thu hồi tại Mỹ do chứa thành phần sữa nhưng không ghi rõ là chất gây dị ứng.

Theo đó, Công ty Dinstuhl’s Fine Candy vừa tiến hành thu hồi ba sản phẩm kẹo đóng gói do phát hiện có chứa sữa - một trong chín chất gây dị ứng chính nhưng lại không được khai báo đúng trên nhãn sản phẩm. Sự việc bắt đầu từ ngày 4/3/2025, khi doanh nghiệp chủ động thu hồi hàng sau kiểm tra nội bộ.

 Sản phẩm nằm trong diện thu hồi. (Ảnh: Dinstuhl's Fine Candy Company)

Tuy nhiên, đến ngày 1/5/2025, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức vào cuộc và phân loại đây là vụ thu hồi cấp độ II, đồng nghĩa sản phẩm có thể gây hậu quả sức khỏe tạm thời hoặc có thể hồi phục, tuy khả năng gây tổn hại nghiêm trọng là thấp.

Ba sản phẩm bị thu hồi gồm: Dinstuhl’s Cashew Crunch (mã UPC 768050019198, 24 đơn vị), Dinstuhl’s Peanut Brittle (mã UPC 768050002053, 12 đơn vị) và Dinstuhl’s Pecan Brittle (mã UPC 768050007553, 12 đơn vị), đều đóng gói 4 ounce, hạn sử dụng đến 15/6/2025, số lô R15. Các sản phẩm này chỉ phân phối giới hạn tại ba điểm bán lẻ ở bang Missouri và Mississippi.

Phía công ty cho biết đã khắc phục vấn đề trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng sức khỏe. Đại diện công ty chia sẻ với báo chí rằng trước khi thu hồi, “bơ” đã có trong bảng thành phần nhưng từ “sữa” lại không được liệt kê rõ là chất gây dị ứng - đây chính là điểm vi phạm quy định ghi nhãn của FDA.

Theo cơ quan này, các nhà sản xuất thực phẩm bắt buộc phải công bố rõ ràng chín nhóm dị ứng chính trên nhãn bao bì, bao gồm: sữa, trứng, cá, động vật có vỏ, các loại hạt cây, đậu phộng, lúa mì, đậu nành và mè. Bất kỳ sự thiếu sót nào trong khai báo thành phần đều có thể gây nguy hiểm, đặc biệt với nhóm người nhạy cảm hoặc mắc bệnh dị ứng.

Giáo sư Clinton Mathias - chuyên gia tại Khoa Dinh dưỡng, Đại học Connecticut (Mỹ) nhận định: “Dị ứng sữa bò là dạng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Mỹ. Ước tính có khoảng 0,5–3% trẻ dưới ba tuổi từng có phản ứng với protein sữa. Dù 40–57% trẻ sẽ hết dị ứng khi đến tuổi đi học, sữa vẫn nằm trong nhóm dị ứng phổ biến ở người lớn, với khoảng 1,9% dân số trưởng thành bị ảnh hưởng”.

Ông cũng nhấn mạnh, triệu chứng dị ứng sữa rất đa dạng, từ nổi mề đay, tiêu chảy, ói mửa cho đến sốc phản vệ hoặc chảy máu trực tràng – có thể nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Dù vụ việc của Dinstuhl’s không ghi nhận ca bệnh nào, nó vẫn nối dài danh sách các đợt thu hồi kẹo do lỗi ghi nhãn tại Mỹ từ đầu năm 2025. Trước đó, tháng 4/2025, Công ty Blooming Import (New York) phải thu hồi 74 thùng kẹo Golden Crop Candy do sử dụng phẩm màu Blue 1, Red 40 và Acid Red 18 nhưng không ghi rõ trên nhãn. Tương tự, tháng 1/2025, hãng The Candy Basket (Oregon) thu hồi các thanh jelly vị trái cây do chứa hàng loạt phụ gia không khai báo như Yellow 6, Red 3, Propylene Glycol, Sodium Benzoate… Mặc dù các chất này không nằm trong nhóm dị ứng bắt buộc khai báo theo luật liên bang, chúng vẫn có thể gây kích ứng hoặc phản ứng giống dị ứng ở những người mẫn cảm.

Một trường hợp khác là Công ty Gardners Candies cũng thu hồi sản phẩm thanh kẹo Cappuccino Meltaway vì nghi chứa hạt điều chất thuộc nhóm gây dị ứng nghiêm trọng. Những vụ việc liên tiếp liên quan đến ghi nhãn thực phẩm tại Mỹ cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở thành phần mà còn là cách minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Với các chất gây dị ứng, thiếu sót trong khai báo dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến người tiêu dùng đối mặt với rủi ro sức khỏe.

Theo khuyến cáo từ FDA, người tiêu dùng nếu đã mua ba sản phẩm kẹo nói trên nên ngưng sử dụng ngay, đem trả lại nơi bán hoặc tiêu hủy đúng cách. Việc theo dõi triệu chứng bất thường cần được thực hiện cẩn trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có tiền sử dị ứng với sữa.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất hoặc xuất khẩu thực phẩm, bài học từ vụ việc tại Mỹ không chỉ là tuân thủ quy định ghi nhãn quốc tế mà còn là trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và các rào cản kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, việc đảm bảo tính minh bạch trong công bố thành phần, đặc biệt với nhóm chất gây dị ứng và phụ gia thực phẩm, không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là yếu tố sống còn để giữ thị trường và uy tín thương hiệu.

Duy Trinh (theo Newseek)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang