Năm 2014, tình hình KT-XH đất nước đạt được nhiều kết quả khả quan

author 11:55 29/12/2014

(VietQ.vn) - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay (29/12), Chính phủ họp Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tình hình KT-XH đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước. Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2014, tình hình KT-XH đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực

Về mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 1,84% so với tháng 12/2013; bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng thấp không phải do sức cầu của nền kinh tế yếu, không có biểu hiện giảm phát, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; chỉ số giá giảm chủ yếu do: Giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng; Nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm trước; Giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý, thấp hơn so với những năm trước; Giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới và trong nước cơ bản ổn định.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều bước chuyển tích cực.

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước; trong đó: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 15,2%; khu vực trong nước tăng 10,4% so với năm trước (năm 2013 tăng 3,5%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Xuất siêu cả năm gần 2 tỷ USD, bằng khoảng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thu NSNN đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, vượt kế hoạch đề ra; chi NSNN thực hiện theo dự toán được giao: Tính đến ngày 15/12/2014, tổng thu NSNN ước đạt 814,1 nghìn tỷ đồng, vượt 4% dự toán năm ; tổng chi NSNN ước đạt 968,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán năm. 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước, bằng 31% GDP.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cả năm 2014 ước đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Số dự án cấp mới tăng 24,5% với số vốn đăng ký cấp mới tăng 9,6% so với năm trước; số lượt dự án tăng vốn tăng 25,8%. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thu hút vốn FDI của nước ta, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của nước ta tiếp tục được giữ vững.

Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá: Ước giải ngân cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với năm trước.

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,06%; Quý II tăng 5,34%; Quý III tăng 6,07%; Quý IV tăng 6,96%) và cả năm ước đạt 5,98%, cao hơn hai năm trước (2012: 5,25%; 2013: 5,42%); sau 3 năm, đây là năm đầu tiên tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều thuận lợi, đạt kết quả khá tốt. Tăng trưởng khu vực này cả năm đạt 3,49% cao hơn mức 2,63% của năm 2013 nhờ tăng trưởng cả 3 ngành nông, lâm, thủy sản cao hơn năm trước.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,9% so với năm trước (năm 2013 tăng 3%); trong đó: nông nghiệp ước tăng 2,9%; lâm nghiệp ước tăng 7,1%; thủy sản ước tăng 6,8%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, cả năm tăng 7,14%  (năm 2013 chỉ tăng 5,43%), đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cao hơn năm trước: Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,6% (năm 2013 tăng 5,9%). Trong năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng khá, chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm tăng 8,7% (năm 2013 tăng 7,4%)

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn năm trước. Diễn biến phức tạp tình hình khu vực và thế giới đã có những ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động thương mại, du lịch của nước ta. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt 5,96% (năm 2013 tăng 6,57%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước tăng 10,6% so với năm trước, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 6,25%, cao hơn so với các năm trước (năm 2011-2013 lần lượt tăng 4,7%; 6,2% và 5,6%); khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 7,87 triệu lượt, tăng 4%.

Về lao động, việc làm: Năm 2014, ước tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 105 nghìn người, tăng 19,1% so với năm trước, vượt 20,7%.

Về bảo đảm an sinh xã hội: Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã ban hành. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo ; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; quan tâm thực hiện các chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo... Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm 1,8 - 2%/ năm so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014) .

Về tình hình trật tự an toàn giao thông: So với năm trước, trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm 4% và số người bị thương giảm 17,2%.

Đánh giá chung, năm 2014 là một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, có thể khẳng định, năm 2014 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành và phối hợp có hiệu quả của các cấp các ngành cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân,   tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra của năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Nông nghiệp đạt kết quả khá; tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu; các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng, cho thấy các tín hiệu tốt về tăng tổng cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy tăng tổng cầu, đồng thời tác động làm giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện; tỷ giá cơ bản ổn định, giá trị đồng tiền VND được giữ vững, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn năm trước. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI có những chuyển biến tích cực. Thu NSNN đạt cao, vượt kế hoạch đề ra.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng để bảo đảm triển khai, thực thi có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong một số lĩnh vực cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn, như: Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tỷ lệ lao đông qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn. Thiệt hại do thiên tai còn lớn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang