Năm 2020: Cần chủ động nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện

author 11:15 20/12/2019

(VietQ.vn) - Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, năm 2020, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện, đặc biệt là phải sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…

Việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo 

Cụ thể, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường.

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương.

Ngay trong tháng 1 và tháng 2/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng sẽ phải vận hành xả khoảng hơn 4 tỷ mét khối nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 của đồng bằng Bắc Bộ, việc này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp điện cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.

Trong điều kiện tình hình hạn hán xuất hiện ở nhiều khu vực từ năm 2019 sang năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước, chủ động thực hiện các giải pháp tích nước để giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.

Trong năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4300MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2000MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

 
Năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 01-02/2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô.
 

Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.

Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, tại Quyết định số 3733/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, và các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu.

Bộ Công Thương cũng đã giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện.

Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiện liệu than bao gồm cả phương án sử dụng than trộn, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, trạm biến áp 220kV Bảo Thắng...  để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang