Nắm bắt cơ hội phát triển ngành dệt may và da giày

author 10:39 01/08/2020

(VietQ.vn) - Khả năng phát triển của ngành dệt may và da giày Việt Nam sẽ rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của Hiệp định EVFTA.

Hôm nay, 1/8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực, đem lại cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Trong đó, ngành dệt may, da giày được các chuyên gia dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Trước tiên, đối với ngành da giày, khả năng phát triển của ngành này sẽ còn rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của EVFTA. Cụ thể, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Vì vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.

Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Hầu hết công nhân làm việc trong ngành da giày Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia, Myanmar…

Ông Đặng Tuấn Tú, đại diện Công ty Changshin Việt Nam (Đồng Nai) chuyên gia công, xuất khẩu giày da, thông tin, mặc dù giày da Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ nhưng những năm gần đây chịu sự cạnh tranh ngày càng mạnh của một số quốc gia châu Á khác, đặc biệt là cạnh tranh về giá tại thị trường EU. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực với hầu hết dòng thuế được cắt giảm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.

Khả năng phát triển của ngành dệt may và da giày Việt Nam sẽ rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa. 

Còn đối với dệt may, ông Trần Như Tùng, Công ty Dệt Thành Công chia sẻ, EVFTA thật sự mang lại nhiều cơ hội cạnh tranh cho sản phẩm dệt may của Việt Nam tại thị trường EU. Cụ thể, dệt may là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhiều năm qua, đã xuất đi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, thu về hàng chục tỷ USD nhưng thực tế thị phần hàng dệt may Việt Nam tại EU còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường.

Theo ông Tùng, trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam chịu mức thuế suất phổ biến từ 8% -12% vì thế các nhà nhập khẩu EU thường ưu tiên mua hàng của các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi thuế. Với EVFTA, hơn 40% số dòng thuế sản phẩm dệt may được xóa bỏ về 0% ngay, số còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3-7 năm. Đồng nghĩa với việc hàng dệt may Việt Nam xuất vào EU có thể cạnh tranh bằng chi phí sản xuất, giảm giá bán ra thị trường. Các nhà nhập khẩu cũng sẽ ưu tiên mua hàng dệt may của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA cao hơn hầu hết các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi nhưng vẫn “dễ thở” hơn so với CPTPP. Trong khi trước đó, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của CPTPP, ví dụ như với ngành dệt may là yêu cầu quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi. Đối với EVFTA, EU chỉ yêu cầu 2 công đoạn trở đi và cho phép sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia có FTA với EU. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu nào đã tận dụng được ưu đãi từ CPTPP thì cũng dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, EVFTA không chỉ tạo ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư  nước ngoài vào nguồn cung ngành dệt may Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai như Nhà máy kéo sợi len lông cừu hiện đại bậc nhất thế giới do Đức đầu tư tại Đà Lạt hay Nhà máy sản xuất chỉ của Mỹ tại Đồng Nai…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, những nhà máy này chính là chìa khóa giải quyết vấn đề phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu của dệt may Việt Nam trong những năm tới, giúp sản phẩm Việt Nam có thể giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm.

Nhanh chóng chuyển đổi để dệt may thích ứng với tình hình tương lai(VietQ.vn) - Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, việc kí kết có thực sự mang lại cho ngành dệt may Việt Nam những ưu thế cạnh tranh xuất khẩu vô cùng lớn trước những tác động của đại dịch Covid-19 hay không?

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang