Nấm mọc toàn thân do tự ý bôi thuốc ngứa mua trên mạng không rõ nhãn mác

author 05:18 11/11/2024

(VietQ.vn) - Do bị ngứa nhiều mảng đỏ toàn thân thời gian dài nam thanh niên đã tự lên mạng mua thuốc ngứa không rõ nhãn mác về bôi. Kết quả toàn thân nam thanh niên bị nhiễm nấm phải nhập viện điều trị.

Ngại đến cơ sở y tế, nghe theo cách điều trị bệnh trên mạng, tự ý mua thuốc không rõ thành phần, nhãn mác... nhiều người tự làm bác sĩ điều trị bệnh cho bản thân. Hậu quả, bệnh không khỏi còn có nguy cơ đe doạ tính mạng.

Đơn cử, mới đây nam thanh niên 17 tuổi bị ngứa, xuất hiện nhiều mảng đỏ toàn thân suốt thời gian dài dù từng đi khám nhiều lần ở bệnh viện tuyến huyện, điều trị thuốc bôi, uống, tổn thương có đỡ nhưng tái phát từng đợt. Khoảng một năm nay, bệnh nhân không đi khám mà tự điều trị bằng các loại thuốc bôi mua trên mạng không rõ nhãn mác, thành phần. Dần dần, tổn thương lan rộng toàn thân, bệnh nhân ngứa đến mất ăn, mất ngủ mới đến viện khám.

Theo BSCKI Dương Thị Thúy Quỳnh, Khoa điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, qua khám lâm sàng, phát hiện trên người bệnh nhân xuất hiện các mảng đỏ hình tròn, hình đa cung ở thân mình, tay, chân, có vảy da, xu hướng lan rộng ra xung quanh, có sẩn đỏ, mụn mủ vùng ngực, lưng. Bệnh nhân ngứa nhiều tại vùng tổn thương.

Tự ý mua thuốc không có nhãn mác trên mạng khiến nam thanh niên bị nhiễm nấm nghiêm trọng. Ảnh: Zing News

Kết quả soi tươi tìm sợi nấm phát hiện các sợi nấm chia đốt trên nền tế bào sừng. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm nấm da toàn thân, chỉ định điều trị với Itraconazole 200 mg/ngày, thuốc bôi nấm tại chỗ. Chỉ sau 5 ngày điều trị, tổn thương da cải thiện, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị theo đơn tại nhà và hướng dẫn chế độ sinh hoạt, vệ sinh phù hợp để hạn chế tái phát.

Theo bác sĩ Quỳnh, bệnh da do nấm sợi (dermatophytes) là tình trạng nhiễm nấm nông ngoài da, bao gồm nấm thân, nấm mặt, nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân. Nhiễm nấm sợi gây các tổn thương cơ bản là rát, mảng đỏ hình tròn hay hình đa cung, có vảy da, xu hướng lan rộng ra xung quanh và ngứa nhiều. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị, nhưng thường hay tái phát và có thể cần điều trị dự phòng lâu dài.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm sợi, như liên quan đến nuôi hoặc tiếp xúc với động vật; thể trạng béo và ra nhiều mồ hôi; sử dụng xà phòng có chứa alkaline; thường xuyên đi giày, sử dụng bồn tắm hoặc bể bơi công cộng...Sau khi được chẩn bệnh, bác sĩ chỉ định thuốc bôi, uống đơn thuần hoặc kết hợp tùy theo mức độ bệnh. Bệnh nấm đáp ứng với điều trị khá tốt trong vòng 1-2 tuần điều trị.

Việc sử dụng thuốc điều trị không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và cần thời gian điều trị kéo dài hơn. Như bệnh nhân này, thay vì điều trị 5 ngày đã cải thiện, đã mất cả năm bôi đủ thứ thuốc, khiến nấm lan rộng.

Thông tin thêm về tình trạng người dân tự ý mua thuốc, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều người dân vẫn có thói quen tự điều trị khi có bệnh lý ngoài da. Có những bệnh trở nên rất nghiêm trọng, từ nấm, vảy nến, viêm da tiếp xúc do tự điều trị.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có hiểu biết đúng đắn trong việc sử dụng thuốc. Nhiều người thường có thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi mắc phải một số triệu chứng nào đó, nhất là bệnh ngoài da càng chủ quan không đi khám. Tự dùng thuốc sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dùng thuốc và cộng đồng.

Ngoài ra việc này cũng có thể rất nguy hiểm do những tác hại không thể lường trước được. Trong đó dị ứng thuốc, tương tác bất lợi giữa các thuốc với nhau hoặc thuốc làm che lấp các triệu chứng nên không phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm có những biểu hiện ban đầu giống những bệnh thông thường khác. Việc quá tải ở các cơ sở y tế, bận rộn trong công việc, sự thuận tiện và dễ dàng trong việc tự mua thuốc, sự phát triển của mạng xã hội càng khiến nhiều người mắc phải thói quen nguy hiểm này.

Tự ý dùng thuốc không đúng cách, không đúng bệnh hoặc thói quen mua thuốc theo toa cũ không được theo dõi của bác sĩ có thể gây kháng thuốc, sốc thuốc nguy hiểm đến tính mạng, các tác dụng phụ không mong muốn…Sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh không đúng liều, không đúng bệnh dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, đa kháng thuốc. Đến khi thực sự cần thiết thì các thuốc kháng sinh này không còn hiệu quả làm khó khăn và thất bại trong điều trị. Ngoài ra, hầu hết tất cả các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng đều chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên chúng ta có thể vô tình làm tổn thương hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có của các cơ quan này.

Việc sử dụng thuốc cần đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều và cần thiết để hạn chế tối đa tác dụng phụ, tốn kém thêm thời gian và chi phí không đáng có. Việc sử dụng thuốc cần phải có chỉ định, theo dõi của bác sĩ sau khi đã được chẩn đoán bệnh, không nên vì sự tiện lợi trước mắt mà đánh đổi sức khỏe và tính mạng của bản thân, người thân mình.

Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các thuốc không có tem nhãn, không hạn sử dụng hoặc không được ghi đầy đủ các thông tin cần thiết như: Tên thuốc, nồng độ hàm lượng, các lưu ý tối thiểu về dạng thuốc, đường dùng (nếu là các dạng thuốc bào chế đặc biệt như tác dụng kéo dài, thuốc lập trình hướng đích... có cách dùng riêng).

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang