Nắm vững quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Mỹ

author 16:31 09/02/2023

(VietQ.vn) - Châu Mỹ là thị trường quan trọng và tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu và nắm vững quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia này, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Mỹ đã có những bước phát triển tích cực. Khu vực châu Mỹ bao gồm 35 quốc gia, dân số hơn 1 tỷ người là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực khi đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%. Trong đó, trao đổi thương mại với tất cả thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Hoa Kỳ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…

 
Giai đoạn 2011 - 2021, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực châu Mỹ đã tăng gần 5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 139 tỷ USD tỷ USD vào năm 2021.
 

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Giày dép các loại, hàng dệt may... Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ khu vực gồm có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, bông các loại...

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với các nước trong khu vực châu Mỹ. Trong đó phải kể đến Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000 (BTA), Hiệp định thương mại tự do với Chile năm 2011 (VCFTA), Hiệp định thương mại với Cuba ký năm 2018... Đặc biệt, Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ.

Việc nắm vững quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Mỹ. Ảnh minh họa.

Mặc dù việc xuất khẩu sang châu Mỹ đã có bước tăng trưởng tốt, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Ví dụ như hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang châu Mỹ chưa cao, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh..., dẫn tới việc giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Còn nhiều mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết và mức độ xâm nhập chưa nhiều như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sắt thép, hàng thủy sản...

Bên cạnh đó, vị trí địa lý xa xôi cũng là một trong những khó khăn khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí vận chuyển và mất nhiều thời gian hơn. Đồng thời, doanh nghiệp còn gặp phải những thách thức về mặt tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là đối với các thị trường Bắc Mỹ. Do đó, việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày một chú trọng.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu và nắm vững quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia châu Mỹ, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện...

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang