Nâng cao chất lượng nhân lực, thúc đẩy tăng năng suất lao động

author 06:19 16/02/2023

(VietQ.vn) - Để nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), người lao động cần thấy được ý nghĩa của việc nâng cao NSLĐ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm.

Chất lượng lao động là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ). Khoa học kỹ thuật công nghệ càng phát triển, máy móc thiết bị càng hiện đại thì càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Người lao động có trình độ học vấn cao thì sẽ có khả năng tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất.

Đầu tư vốn con người ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua sản lượng, năng suất, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh (Black & Lynch 1997, Honig 2001, Blundell và cộng sự 1999, Barron và cộng sự 1989, Blackemore và Hoffman 1988). Nghiên cứu của Lynch và Sandra (1996) cho thấy có một mối quan hệ tích cực giữa số năm đi học của người lao động với năng suất và tác động của đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào chương trình đào tạo.

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Nguồn nhân lực của Việt Nam đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Năm 2020, quy mô dân số nước ta đạt 97,58 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,8 triệu người, chiếm 56,2% dân số. Trung bình mỗi năm giai đoạn 2011-2020 có khoảng 437 nghìn người gia nhập lực lượng lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm thay đổi tỷ trọng lao động trong các ngành kinh tế.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế ở nước ta diễn ra theo hướng hợp lý và tiến bộ: Giảm tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020); tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng (từ 21,3% lên 30,8%) và khu vực dịch vụ (từ 30,2% lên 36,1%).

Ảnh minh hoạ

Trong cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,7% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,7%; khu vực dịch vụ chiếm 41,6%. Chuyển dịch cơ cấu lao động từng bước phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Chất lượng lao động là một yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tác động của chất lượng lao động đến tăng trưởng kinh tế diễn ra ở hai khía cạnh: (i) Tác động trực tiếp vào nâng cao hiệu quả của việc sử dụng lao động trong sản xuất và (ii) Tác động gián tiếp thông qua tăng năng suất.

Giai đoạn 2011-2020, chất lượng nguồn nhân lực nước ta đã có nhiều cải thiện. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số đã được chú trọng. Lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm qua: Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo tăng từ 15,6% năm 2011 lên 20,9% năm 2016 và đạt 24,1% năm 2020. Tỷ lệ này ở nước ta mặc dù tăng qua các năm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 25% do Quốc hội đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Điều này đặt ra thách thức lớn cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, tăng NSLĐ và tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, nguồn nhân lực ở nước ta có sự gia tăng nhưng quy mô không lớn như trước do đã bước vào giai đoạn già hoá dân số. Nhân lực phân bố không đồng đều giữa các ngành/lĩnh vực và theo vùng miền; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề; chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm chưa cao, đặc biệt chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Việc làm chủ công nghệ của chúng ta đang thua kém so với các nước. Đây là nguyên nhân nổi bật tác động rất lớn đến việc nâng cao NSLĐ.

Do đó để nâng cao NSLĐ, người lao động cần tham gia các lớp học chung về NSLĐ để người lao động hiểu khái quát chung thế nào là NSLĐ và tăng NSLĐ, thấy được ý nghĩa của việc nâng cao NSLĐ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người lao động và nâng cao NSLĐ sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và đặc biệt cho chính bản thân người lao động (do tăng NSLĐ là cơ sở để tăng lương và thu nhập cho người lao động).

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp vì điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... thì người lao động sẽ nâng cao NSLĐ của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập. Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động.

Cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang