Nâng cao chất lượng và năng suất nuôi tôm

author 07:12 19/07/2015

(VietQ.vn) - Nhiều biện pháp về kinh tế - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng nghề nuôi tôm ở nước ta.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau 2 năm tái cơ cấu ngành thủy sản cho thấy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã phát huy thế mạnh. Con tôm sú phát triển tại các vùng sinh thái đặc trưng thích hợp như tôm rừng ngập - mặn, tôm - lúa ở duyên hải Nam bộ nhắm vào lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu (XK).

Áp dụng khoa học để nâng cao năng suất nuôi tôm

Áp dụng khoa học để nâng cao năng suất nuôi tôm

Tính đến tháng 6 năm 2015, hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến (chuyên tôm sú) ổn định khoảng 540.000 ha, tăng 89% diện tích nuôi. Cơ cấu tôm sú và tôm thẻ chân trắng có sự dịch chuyển.

Tôm thẻ chiếm 12,5% diện tích nuôi nhưng chiếm tới 57% sản lượng; tôm sú chiếm 87% diện tích nuôi, song chỉ chiếm 43% sản lượng. Do chuyển đổi tích cực về cơ cấu, phương thức nuôi, năm 2014 sản lượng tôm cả nước đạt 658.000 tấn, tăng 120.000 tấn so với năm 2013.

Năm 2014, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 5.500 ha nuôi cá tra, đạt sản lượng 1,1 triệu tấn. Các năm tiếp theo sẽ tăng diện tích và sản lượng phù hợp với khả năng mở rộng thị trường. Đồng bằng Bắc bộ đang phát triển đối tượng nuôi mới là cá rô phi thâm canh trong ao, còn ở Nam bộ nuôi trong lồng bè trên sông.

Năm 2014 có 16.000 ha nuôi cá rô phi trong ao và nuôi lồng bè 410.000 m3, năng suất trung bình đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng cá rô phi và điêu hồng đạt 125.000 tấn, tăng 25% so năm 2013. Điểm nổi bật hiện nay ở một số địa phương là phát triển vùng nuôi tôm, cá công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Điển hình có 3 DN gồm Cty Trung Sơn (Kiên Giang), Cty Việt - Úc, Trúc Anh (Bạc Liêu), từng bước chủ động sản xuất cung cấp tôm giống sạch bệnh gắn với vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh...

Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cà Mau cho biết, tỉnh có thế mạnh về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái với mô hình tôm - rừng, tôm - lúa; xác định đối tượng chủ lực là con tôm (chiếm 80 % cơ cấu). Tuy nhiên lo ngại nhất là thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu ở vùng nuôi thủy sản. Vấn đề quản lý giá cả vật tư đầu vào và đảm bảo đầu ra cho còn nan giải. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Theo ông Bằng, việc triển khai Nghị định 67 về đóng tàu còn vướng mắc là do thiết kế 21 mẫu tàu đưa xuống ngư dân không nhận, bởi họ quen vận hành đánh bắt bằng tàu gỗ. Đến nay Cà Mau phê duyệt tàu đóng mới 17 tàu nhưng mới khởi công đóng 7 tàu. "Trở ngại nữa là muốn hiện đại hóa tàu cá phải có vốn, song tiếp cận với ngân hàng không dễ. Mặt khác, ngư dân còn ngần ngại đóng mới vì ngư trường ở vùng biển Tây đang quá tải, trong khi đánh bắt vùng biển Đông không quen", ông Bằng nói.

Đại diện Sở NN-PTNT An Giang cho rằng, người nuôi cá tra đang thở bằng “mũi” của người khác, khi 70% thức ăn phải nhập khẩu; chất lượng cá giống không đảm bảo, thị trường tiêu thụ rất khó khăn... Do vậy cần có giải pháp gỡ rối cho cá tra, đẩy mạnh thực hiện liên kết SX nhằm hạ giá thành sản xuất.

Thanh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang