Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Cần có gói cải cách toàn diện 'ngang dọc' đột phá xuất khẩu
Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc không đảm bảo chất lượng bị phạt thế nào?
Doanh nghiệp sản xuất đũa dùng một lần xuất khẩu cần biết điều này
Xóa 'rào cản' xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Cần sự chung tay giữa các DN Việt
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô. Năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu.
Năm 2017, là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030. Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 264,32 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, mặc dù xuất nhập khẩu đã có những điểm sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch duy trì ở mức cao nhưng hiện vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh về quy mô. Ảnh: Tạp chí Tài chính
Cụ thể, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cao nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp (DN) FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các DN Việt còn mờ nhạt và hạn chế. Nguyên nhân là do chưa hình thành được các chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu chưa cao như kỳ vọng.
Đơn cử, đối với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017. Việt Nam chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ riêng mặt hàng vải, DN trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Tương tự với nhóm hàng nông sản, Việt Nam có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu song không thu được giá trị cao. Tuy nhiên hầu hết sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề ở khâu chế biến. Trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản vẫn đang chủ yếu xuất khẩu thô. Nếu có qua sơ chế cũng ở mức độ không đáng kể, giá trị gia tăng thấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ này tạo nên một bức tranh tổng thể không mấy tích cực đối với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Xây dựng chuỗi sản phẩm, tăng giá trị cho hàng xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.
Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, trước hết, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và DN để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Riêng nhóm công nghiệp chế biến, không thể xuất khẩu bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu DN vào cuộc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện. Ảnh: Tạp chí Thương gia
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn khi chỉ có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất.
Trong đó chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2-5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan toả từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước và rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, bà Phạm Chi Lan chia sẻ, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh. Đặc biệt, cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Song với đó, doanh nghiệp cần nâng cao mức độ linh hoạt trong hoạt động như kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý bên trong giúp doanh nghiệp đạt được năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất có thể. Các doanh nghiệp lớn cần cải thiện hệ thống quản trị, gắn kết, bổ trợ nội bộ và liên kết với các doanh nghiệp khác. Có chiến lược tốt tránh mang tính ngắn hạn và thời cơ. Giảm khoảng cách về hiệu quả hoạt động và năng suất giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doang nghiệp nước ngoài...
Bảo Lâm