Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

author 14:32 21/05/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn đã được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra phía trước…

Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua cổ phần hóa (CPH), thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 đã được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất. Qua đó, số lượng DNNN được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển; thu hút vốn từ xã hội cho đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, đổi mới quản trị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh của DNNN; cơ cấu lại các nguồn lực cho DN và xã hội để sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn. Hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa có hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động tăng lên. Vấn đề lao động dôi dư trong quá trình cơ cấu lại, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN cũng cơ bản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 Cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 đã được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của quá trình sắp xếp, CPH DNNN là chậm tiến độ so với kế hoạch đã được phê duyệt và mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng DN. Số liệu của Bộ KH&ÐT chỉ ra, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN gần 490 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gần 234 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 180 DN hoàn thành CPH, chỉ có 39 DN thuộc danh mục CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là nhiệm vụ CPH mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Về thoái vốn nhà nước tại DN, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện thoái vốn tại 348 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 DN với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị vốn phải thoái theo kế hoạch. Về cơ bản, tiến trình CPH, thoái vốn cho đến thời điểm này mới đi qua được nửa chặng đường.

Sang năm 2021, tiến độ CPH, thoái vốn cũng chưa thể tăng tốc. Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QÐ-TTg về phê duyệt danh mục DN thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, các DN chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ CPH, thoái vốn.

Trong đó, Hà Nội có 13 DN; TP Hồ Chí Minh có 38 DN; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có sáu DN; Bộ Xây dựng có hai DN. Cục trưởng Tài chính DN Ðặng Quyết Tiến nhận định, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và là thách thức không nhỏ bởi số lượng DN phải CPH, thoái vốn vẫn còn rất nhiều. Hơn nữa, trong số này có những DN quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, diện tích trải dài ở nhiều địa phương khiến thủ tục xác định giá trị DN khá phức tạp như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),

Cục trưởng Ðặng Quyết Tiến nhấn mạnh: Việc cơ cấu lại, CPH và thoái vốn DN trong giai đoạn tới sẽ cần phải có những cách làm mới, biện pháp mới. Ðó là phân loại DNNN để thúc đẩy cải cách; chia DNNN thành hai loại hình lớn là thương mại và công ích; xây dựng danh mục các ngành nghề mà Nhà nước giữ vốn, thoái vốn để các địa phương lựa chọn những DN cần giữ lại.

Ðồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án CPH, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ DN để từ đó lựa chọn phương án phù hợp, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Đề xuất thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước chi phối. Sau đó, DN sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực hiện thoái vốn/huy động vốn qua sàn.

Một điểm đáng lưu ý, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chí về phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại và thoái vốn và có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh CPH, thoái vốn trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu…

Bộ Xây dựng thoái vốn tại Hancorp, thu về gần 1,4 nghìn tỷ đồng(VietQ.vn) - Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá để thoái vốn 139.399.608 cổ phần sở hữu tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp), tương đương hơn 1.393 tỷ đồng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang