Năng lượng tương lai ‘trông ngóng’ nhà máy điện hạt nhân

author 14:22 11/06/2016

(VietQ.vn) - Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân được các chuyên gia phân tích nhiều lợi ích và thể hiện rõ tính vượt trội.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Trong tương lai, khả năng cung cấp năng lượng truyền thống trong nước ngày càng khó khăn bởi tài nguyên than, dầu khí ngày càng cạn kiệt; thủy điện đã khai thác ở mức tối đa. Việc nhập khẩu điện từ nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp trong đó phát triển điện hạt nhân có thể coi là chương trình có tiềm năng và tầm quan trọng hàng đầu do những ưu điểm vượt trội để góp phần đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.

Trước tiên, điện hạt nhân là nguồn năng lương sạch, trong quá trình vận hành không phát ra các chất thái gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt không phát thải khí oxyt carbon gây hiệu ứng nhà kính (như các nguồn nhiệt điện than) tác động xấu đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Năng lượng tương lai ‘trông ngóng’ nhà máy điện hạt nhânNhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được khởi công năm 2014

Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng với quy mô lớn tới hàng nghìn megawat, có khả năng vận hành với công suất thiết kế liên tục nhiều giờ trong năm (hằng năm, mỗi lò phản ứng điện hạt nhân chỉ phải ngừng hoạt động khoảng 1 - 1,5 tháng để thay các thanh nhiên liệu kết hợp duy tu bảo dưỡng) với độ tin cậy và an toàn cao, cung cấp sản lượng điện lớn nhiều tỷ kilowat giờ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nhà máy điện hạt nhân tuy đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng do vòng đời hoạt động dài (tới 60 năm so với thủy điện 40 năm, nhiệt điện than 30 năm, tua bin khí chu trình hỗn hợp 25-30 năm) và chi phí nhiên liệu thấp nên giá thành sản xuất điện bình quân cả đời dự án điện hạt nhân khá hấp dẫn, có thể cạnh tranh được với các loại nguồn điện khác.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của điện hạt nhân trong tương lai, Chính phủ đã đồng ý đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tỉnh Ninh Thuận và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, cấp bách. Trong đó có các dự án như hồ thủy lợi Tân Mỹ, Đầm Nại, cầu Ninh Chữ, một số tuyến đường ven biển…

Đến nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước.

Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).

Trong cuộc họp xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Đề án. Trong đó, Phó Thủ tướng chú trọng về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận; làm rõ những tác động, điểm mới khi triển khai Nhà máy điện hạt nhân theo từng giai đoạn tiến độ xây dựng nhà máy.

Trong các đề xuất cơ chế hỗ trợ, Phó Thủ tướng gợi ý cần chia ra các giai đoạn phù hợp để đảm bảo cân đối nhu cầu với nguồn lực, đưa thêm các dự án hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, y tế… cho người dân trong vùng.

“Quan trọng là phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư trên cơ sở tiến độ phù hợp với 2 dự án điện hạt nhân và đảm bảo lồng ghép hợp lý với các quy hoạch, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đang và sẽ triển khai trên địa bàn,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang