Đề xuất nâng Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia lên 500 tỷ

author 07:03 17/10/2013

(VietQ.vn) - Bộ KHCN đề xuất nâng Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia từ 200 tỷ lên 500 tỷ để phù hợp với thực tế.

Quỹ tạo sự minh bạch tài chính

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ( NAFOSTED) bắt đầu hoạt động tài trợ từ tháng 11/2009. Trong hơn 05 năm hoạt động, theo Bộ KHCN, Quỹ đã đóng góp đáng kể cho quá trình đổi mới tổ chức và phương thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hoạt động của Quỹ theo cơ chế mới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; minh bạch hóa, đơn giản hóa quy trình/ thủ tục quản lý đã tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học. 

Quỹ Nafosted

Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia giúp giải quyết nhanh thủ tục đầu tư cho KHCN.

Quỹ đã đóng góp trong việc xây dựng chuẩn mực nghiên cứu khoa học, tiếp cận trình độ quốc tế. Các tiêu chuẩn về chất lượng thể hiện thông qua các tiêu chí lựa chọn thành viên hội đồng khoa học, các tiêu chí đánh giá hồ sơ nghiên cứu khoa học và đặc biệt là các tiêu chuẩn về công bố quốc tế đối với các tạp chí khoa học quốc tế được xếp hạng của Quỹ đối với đề tài NCCB trong KHTN đã được chấp nhận và dần được sử dụng như một tiêu chí chất lượng trong việc tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học.

Nhờ Quỹ mà huy động nguồn lực cho phát triển KHCN. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đã bước đầu huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển KHCN. Nguồn ngoài Ngân sách đầu tư cho KHCN chiếm tỷ lệ đáng kể (từ 30% đến 70%) thực hiện các chương trình hợp tác song phương, chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu & đổi mới công nghệ.

Phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của Quỹ rút ngắn việc bắt đầu thực hiện các ý tưởng nghiên cứu, giúp đẩy nhanh quá trình cấp phát kinh phí, tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh toán, tạo động lực tích cực cho các nhà khoa học.

Từ tăng vốn...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, Bộ KHCN đã đề xuất, tăng vốn cấp từ ngân sách Nhà nước tối thiểu hằng năm cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia lên 500 tỷ đồng để phù hợp với nhiệm vụ và quy mô phát triển của Quỹ. Mức vốn điều lệ  200 tỷ VNĐ của Quỹ theo Nghị định 122/2003/NĐ-CP hiện không còn đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.

Mặt khác, dù được đánh giá hoạt động có hiệu quả, kết quả và ảnh hưởng của các hoạt động của Quỹ còn hạn chế do nguồn kinh phí hạn chế (kể cả trong trường hợp cấp đủ 200 tỷ bổ sung hằng năm). Tỷ lệ này là thấp nếu so với tỷ lệ trung bình của các nước trên thế giới. Để phát huy hiệu quả tài trợ nghiên cứu khoa học của Quỹ, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất tăng vốn cho Quỹ lên mức tối thiểu 500 tỷ VNĐ hằng năm (trong phần kinh phí 2% chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ).

Hiện nay kinh phí được cấp cho Quỹ để thực hiện các hoạt động tài trợ, hỗ trợ các hoạt động KHCN (chủ yếu cho các nghiên cứu khoa học) chiếm khoảng 1% ngân sách dành cho KHCN. Số liệu thống kê về tài trợ nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy, tỷ trọng tài trợ nghiên cứu cơ bản chiếm đến 10-20%; tỷ trọng tài trợ cho nghiên cứu khoa học (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) chiếm đến 30-60% trong tổng số kinh phí cho hoạt động KHCN.

...đến tăng hiệu quả

Đối tượng tài trợ: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm: Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng;

Đối tượng cho vay: Các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống do tổ chức, cá nhân đề xuất.

Đối tượng bảo lãnh vốn vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

Đối tượng hỗ trợ: Các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và trực tiếp quản lý.

Nhiệm vụ KHCN do tổ chức, cá nhân đề xuất tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ được xét chọn công khai, dân chủ, bình đẳng thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ do Quỹ thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Quỹ  lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Hội đồng có 7 hoặc 9 thành viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm.

Hội đồng quản lý Quỹ họp thường kỳ 3 tháng 1 lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Giám đốc Quỹ hoặc Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ đề nghị...

Thu Hà

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang