Truyền thông khoa học làm giảm đề tài “cất ngăn kéo”

author 07:29 29/09/2013

(VietQ.vn) – Nhiều nhà khoa học làm thì được nhưng không biết quảng bá sản phẩm của mình, nên dù có giá trị, vẫn phải “cất vào ngăn kéo”…

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Nhà báo viết về khoa học phải có năng khiếu

Truyền thông KHCN nhanh chóng, kịp thời phải có năng khiếu hoặc được đào tạo bài bản. Truyền thông KHCN trong thời đại mới không đơn giản, vì mọi thứ đều dễ dàng được kiểm chứng qua nhiều kênh thông tin.

Truyền thông KHCN

Truyền thông đưa khoa học đến gần với công chúng

 

Nên để thông tin KHCN được đưa chính xác đến công chúng, phải là công việc của những nhà báo chuyên nghiệp về KHCN. Đó phải là những người ngoài nghiệp vụ báo chí, phải được đào tạo cơ bản về KHCN. Không ít người tốt nghiệp các trường KHCN, có năng khiếu viết lách có thể về “đầu quân” cho các cơ quan báo chí.

Còn những người được đào tạo về báo chí, muốn theo truyền thông KHCN, phải yêu thích lĩnh vực này và được đào tạo cơ bản. Thực tế, các nhà báo về KHCN thường không được đào tạo cơ bản về KHCN và không có năng khiếu truyền thông KHCN…

Người giỏi nghiên cứu phải biết truyền thông KHCN

Truyền thông KHCN cũng là chức năng của nhà khoa học và là tiêu chí đánh giá năng lực cống hiến của họ. Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó một cách đơn giản, chứng tỏ bạn không hiểu tốt về vấn đề”.

Sứ mạng chân chính của nhà khoa học học không chỉ ngồi trong “tháp ngà” để tạo ra các sản phẩm trí tuệ về KHCN, mà phải biết gắn kết, truyền đạt những ý tưởng và phương pháp khoa học đến quần chúng.

Vì ít ra, nhà khoa học đang sử dụng nguồn ngân sách từ tiền thuế của dân, nên họ phải có trách nhiệm truyền thông cho công chúng kết quả sử dụng đồng tiền thế nào?

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học không có nhiều thời gian viết bài cho báo chí phổ thông, vì khả năng tác nghiệp báo chí của họ còn hạn chế, cách trình bày nặng về văn phong khoa học, với nhiều từ chuyên ngành…

Khá nhiều nhà khoa học chỉ làm được nhưng không biết quảng bá về thành tựu của mình. Vì thế, khá nhiều công trình nghiên cứu có giá trị nhưng lại “nằm trong ngăn kéo”.

Ngược lại, không ít người làm thì dở nhưng lại nói hay, biết sử dụng truyền thông như phương tiện khuếch trương thanh thế, đành lừa dư luận để mưu cầu lợi ích cá nhân…Vì vậy, nhà báo viết về KHCN cần tỉnh táo đánh giá, thẩm định…trước khi đưa đến công chúng.

Đổi mới thế nào?

Cơ quan quản lý KHCN cần có mục yêu cầu các nhà khoa học nhận tài trợ từ ngân sách phải mô tả cách thức phổ biến, chuyển giao các kết quả nghiên cứu. Sau đó, tổ chức lưu trữ các kết quả đề tài, để công khai cho dân chúng biết…

Nhà báo viết về KHCN cần phối hợp chặt chẽ với nhà khoa học, cơ quan tổ chức nghiên cứu…để lấy thông tin, tác nghiệp. Ngược lại, các tổ chức KHCN cần quan tâm, nhận thức hơn nữa về vai trò công tác tuyên truyền, tránh ngại tiếp xúc với báo chí.

Các nhà khoa học phải thay đổi tư duy về cách làm việc. Bởi họ không chí lặng lẽ nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm mà cần chủ động thông tin các kết quả đạt được cho báo chí. Một sự lãng phí lớn là các nghiên cứu của nhiều viện, nhà trường…chưa đến được với doanh nghiệp, người dân.

GS Nguyễn Ngọc Châu

(Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang