Nhà máy Trung Quốc thay 90% công nhân bằng robot, năng suất tăng vọt

author 10:05 18/08/2015

(VietQ.vn) - Một nhà máy Trung Quốc đã thay thế 90% nhân viên bằng robot, giúp năng suất tăng lên mức đáng kinh ngạc lên đến 162% và giảm tỷ lệ sản phẩm khiếm khuyết từ 25% xuống còn 5%.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhà máy thuộc quyền sở hữu của Công ty Công nghệ Everwin Thâm Quyến (Trung Quốc) hiện có khoảng 1.900 công nhân. Nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng, lãnh đạo nhà máy quyết định áp dụng kế hoạch mới sử dụng 1.000 robot để thay thế con người trong hoạt động sản xuất, giảm 90% số nhân công xuống còn 200 người.

Công ty này không đưa ra con số đầu tư cụ thể vào đội ngũ robot làm việc trong nhà máy, nhưng khẳng định phương pháp cải tiến năng suất mới này sẽ giúp năng lực sản xuất tại đây có thể đạt mức 2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 332 triệu USD mỗi năm. Hệ thống robot sau đó sẽ được triển khai rộng khắp ở nhiều nhà máy thuộc khu vực đồng bằng Châu Giang, một trong những trung tâm chính trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Công ty Công nghệ Everwin Thâm Quyến đã thay thế 90% nhân công bằng robot trong hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng

Công ty Công nghệ Everwin Thâm Quyến đã thay thế 90% nhân công bằng robot trong hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng

Phương pháp thay thế nguồn lực con người bằng hệ thống robot hiện đại giúp nâng cao năng suất chất lượng của Công ty Công nghệ Everwin đã nhanh chóng đạt được những kết quả vượt bậc và nhanh chóng lan rộng trong giới doanh nghiệp Trung Quốc và khu vực. Mới đây, Công ty Công nghệ Chính xác Changying ở Đông Quản cũng đã có những nỗ lực lớn tương tự hướng tới sản xuất điện thoại di động hoàn toàn tự động, thay thế gần như 90% lao động con người bằng máy móc.

Theo đó, 650 nhân viên của Changying đã được cắt giảm xuống chỉ còn 60 người. Thay thế cho số nhân viên vũ, hiện Công ty Changying có 60 cánh tay robot làm việc 24 giờ một ngày trên 10 dây chuyền sản xuất. Cơ sở này hầu như chỉ vận hành bằng robot - hầu hết từng trang thiết bị, bao gồm cả xe tải để vận chuyển hàng hóa được sản xuất ra, đều hoạt động mà không cần sự trợ giúp của con người.

Số lao động con người còn lại là để giám sát hệ thống được điều khiển bằng máy tính và kiểm tra dây chuyền sản xuất. Bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hệ thống robot đã nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất của nhà máy Changying, từ mức 8.000 lên đến 21.000 mẫu phẩm/mỗi công nhân/tháng, gần như tăng gấp ba lần sản lượng.

Khi phương pháp nâng cao năng suất lao động bằng ứng dụng khoa học công nghệ ở Công ty Changying mới chỉ là kế hoạch nằm trên giấy, nhiều người từng tỏ ý hoài nghi e ngại rằng việc thay thế con người bằng robot sẽ dẫn đến làm sụt giảm chất lượng. Tuy nhiên, số liệu thống kê thực tế sau khi đưa hệ thống robot vào làm việc trong nhà máy cho thấy sự e ngại đó là không đúng. Theo đó, tỷ lệ sản phẩm khiếm khuyết tại nhà máy đã được thu hẹp từ mức 25% xuống còn 5%.

Với 60 cánh tay robot làm việc 24 giờ một ngày trên 10 dây chuyền sản xuất, năng suất chất lượng của Công ty Changying (Trung Quốc) đã tăng vọt

Với 60 cánh tay robot làm việc 24 giờ một ngày trên 10 dây chuyền sản xuất, năng suất chất lượng của Công ty Changying (Trung Quốc) đã tăng vọt

Những nỗ lực nâng cao năng suất đáng kinh ngạc trên đã góp phần đưa phương pháp áp dụng triệt để khoa học công nghệ trong sản xuất ngày càng lan rộng. Kể từ tháng 9 năm ngoái, 505 nhà máy ở Đông Hoản đã đầu tư 4,2 tỷ nhân dân tệ để sản xuất robot với mục tiêu thay thế hơn 30.000 công nhân. Đến năm 2016, khoảng 1.500 xí nghiệp công nghiệp của thành phố sẽ bắt đầu thay thế con người bằng robot.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông hồi đầu năm nay thông báo sẽ chi 943 tỷ nhân dân tệ cho hoạt động thay thế nhân công lao động bằng robot trong vòng ba năm tới. Các thành phố trực thuộc tỉnh sẽ hỗ trợ 200 -500 triệu nhân dân tệ mỗi năm cho đơn vị chế tạo robot và nhà máy sử dụng robot trong dây chuyền lắp ráp.

Trong khi đó, Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, có mục tiêu thúc đẩy ngành công nhiệp sản xuất bằng robot với giá trị sản lượng hơn 100 tỷ nhân dân tệ đến năm 2020, cũng như tự động hóa hơn 80% sản lượng sản xuất của thành phố, góp phần nâng cao năng suất chất lượng dài hạn. Chính quyền thành phố Phật Sơn cho biết giá trị của thị trường robot và tự động hóa sẽ đạt mức 300 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang