NASA phát hiện lốc xoáy có diện tích gần 700.000 km2 trên sao Mộc

authorLê Chính 06:28 18/12/2019

(VietQ.vn) - Tàu Juno hạ xuống độ cao 3.500 km bên trên những đám mây sao Mộc quan sát một cơn lốc xoáy có diện tích gần 700.000 km2.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Theo dữ liệu từ thiết bị Jovian Infrared Auroral Mapper (JIRAM) của Juno chỉ ra cụm lốc sắp chuyển từ hình ngũ giác sang lục giác, theo Alessandro Mura, nhà nghiên cứu trong dự án Juno ở Viện Vật lý Thiên văn tại Rome. Lốc xoáy mới nhỏ hơn so với các cơn lốc xoáy khác, chỉ lớn cỡ bang Texas của Mỹ (695.663 km2). Nhóm nghiên cứu cho biết cần thêm thời gian để kết luận lốc xoáy nhỏ có phát triển tới kích thước của hàng xóm hay không. Nó có sức gió 362 km/h, tương tự cả cụm.

Các camera trên tàu thăm dò có thể quan sát kỹ hơn quá trình diễn ra trong khí quyển hành tinh và theo dõi thời tiết ở cách 48 - 72 km bên dưới những đám mây. Dữ liệu tổng hợp không chỉ hé lộ điều kiện của sao Mộc mà cả các hành tinh khí và băng khác trong hệ Mặt Trời.

 NASA phát hiện lốc xoáy có diện tích gần 700.000 km2 trên sao Mộc

Để quan sát được lốc xoáy, các kỹ sư phải điều khiển tàu vũ trụ vận hành bằng năng lượng mặt trời bay ra khỏi bóng của sao Mộc. Bên trong bóng của sao Mộc, Juno phải chống chọi nhiệt độ lạnh hơn nhiều giới hạn cho phép, khiến bộ pin có nguy cơ không thể phục hồi. Nhóm điều hành dự án đã tìm ra cách giúp Juno bay vọt lên cao và phát khỏi chiếc bóng. Tàu Juno sẽ tiếp tục bay quanh quỹ đạo và nghiên cứu sao Mộc cho tới khi kết thúc nhiệm vụ vào tháng 7/2021.

Trước đó, ngày 8/3/2018 NASA đăng tải trên tạp chí Nature những hình ảnh hồng ngoại được chụp bởi Juno khi bay quanh quỹ đạo của sao Mộc cho thấy những cơn lốc xoáy khổng lồ, sắp xếp theo những hình dạng đặc biệt ở các cực của hành tinh. Ví dụ, tại cực Bắc của sao Mộc, một cơn bão lớn bao gồm 8 cơn lốc xoáy xung quanh. Ở cực Nam, một cơn bão khác cũng được bao quanh bởi nhiều cơn lốc tương tự. Điều đặc biệt là các cơn lốc xoáy này dường như luôn ở sát nhau nhưng không có dấu hiệu sáp nhập.

Các luồng gió và lốc xoáy trên bề mặt sao Mộc thực sự tác động sâu vào bên trong hành tinh, gây ra những biến đổi kỳ lạ trong trường hấp dẫn của nó. Còn trên bề mặt, các cơn lốc xoáy khổng lồ ở các cực lại tạo thành những hoa văn kỳ lạ.

Sao Mộc chứa những dải gió và lốc lan tỏa khắp bề mặt, xoay với tốc độ khác nhau, đôi khi lên đến 220 dặm một giờ (100 mét mỗi giây). Các nhà nghiên cứu tò mò, chưa biết tại sao những cơn lốc xoáy này vẫn tồn tại mà không sáp nhập vào nhau, dù có những lúc chúng ở khoảng cách cực gần.

Lê Chính (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang