Nấu bếp gas trong nhà- 'thủ phạm' gây ô nhiễm gấp 5 lần không khí ngoài trời

author 06:58 08/05/2020

(VietQ.vn) - Chuyên gia Viện Rocky Mountain kết hợp với các bác sĩ trong nhóm hoạt động vì cộng đồng Mothers Out Front và Sierra Club (Mỹ) cảnh bảo, nấu bằng bếp gas làm không khí trong nhà ô nhiễm gấp 5 lần so với không khí ở ngoài trời.

Tác hại từ việc đốt cháy nhiên liệu khi nấu nướng

Bếp gas là một vật dụng quen thuộc và không thể thiếu trong hầu hết cả gia đình bởi bếp gas rất tiện lợi trong việc nấu nướng lại tiết kiệm về kinh tế. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy các chất ô nhiễm do việc đun nấu bằng gas đã làm cho không khí trong nhà bị "bẩn" hơn không khí ngoài trời gấp 2 đến 5 lần.

Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Rocky Mountain kết hợp với các bác sĩ trong nhóm hoạt động vì cộng đồng Mothers Out Front và Sierra Club (Mỹ).

Theo đó, môi trường trong nhà - nơi chúng ta dành 90% thời gian để sống có thể bị ô nhiễm hơn so với không khí ở ngoài trời. Trong đó bếp gas là nguồn ô nhiễm chính do việc nấu nướng đã làm tăng lượng khí thải nitơ dioxide và carbon dioxide. Và nếu dùng bếp gas đã cũ, ít được vệ sinh thường xuyên thì chúng còn thải ra cả carbon monoxide – một loại khí độc gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực…

Bếp gas là sản phẩm nhiều gia đình dùng nhưng lại là 'thủ phạm' gây ô nhiễm nặng gấp 5 lần không khí ngoài trời. Ảnh minh họa

Đặc biệt, trẻ em là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong việc hít phải những khí ô nhiễm này. Không khí ô nhiễm khiến cho phổi và cơ thể của trẻ kém phát triển, đồng thời nguy cơ mắc bệnh hen suyễn của trẻ tăng lên 42%. Ngoài ra khí nitrogen dioxide còn gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, là tác nhân của các vấn đề về tim mạch, tiểu đường và ung thư. Trong trường hợp chẳng may bị ngộ độc carbon monoxide sẽ bị đau đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, thậm chí là bị ngưng tim và tử vong.

Theo nghiên cứu, các loại nhiên liệu trên khi cháy còn sinh ra chất benzopyren – một chất gây ung thư mạnh. Vì vậy, khi nấu nướng, những người trực tiếp đứng bếp hay kể cả những người có mặt trong nhà bếp đều dễ bị tức ngực, đau đầu, tắc mũi, ngứa mắt, ù tai. Về lâu dài còn bị giảm trí nhớ, mất ngủ, dễ viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm và phát hiện, trong việc nấu nướng, khi sử dụng bếp than, bếp dầu hay bếp gas, khi cháy đều sản sinh ra khí độc hại như CO2. Trong đó, việc sử dụng bếp than gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất do nó sản sinh ra CO2, NO2 và bụi khói, gây ảnh hưởng trực tiếp khi người dùng hít vào.

Dùng chất tẩy rửa để sơ chế nội tạng động vật buộc phải tiêu hủy(VietQ.vn) - Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa tiến hành tiêu hủy lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc.

Làm gì để bảo vệ không khí trong nhà?

Theo ý kiến của Bác sĩ Robert Gould, Phó giáo sư công tác tại trường Đại học Y khoa San Francisco (Mỹ), giải pháp tốt nhất là chuyển đổi từ bếp gas sang bếp điện. Ngoài ra, khi nấu nướng nên mở cửa sổ, vặn lửa vừa với nồi hoặc đầu đốt, sử dụng máy hút khói, mở máy lọc không khí có màng lọc khí HEPA trong khi nấu. Và nếu được hãy lắp thêm máy dò carbon monoxide trong nhà. Có như vậy, mới có thể giảm thiểu được lượng khí thải độc hại do việc đun nấu bằng gas gây ra.

Không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần và nên chọn dầu ăn đảm bảo chất lượng; Giữ đúng độ lửa, không nên sử dụng lửa cháy quá lớn gây cháy dầu ăn/đồ ăn; Giảm thiểu các món chiên xào, nên ăn nhiều món luộc hoặc ít chế biến; Cần bật máy hút mùi khi đun nấu; Bếp cần thông thoáng, và nên mở cửa sổ khi đun nấu; Đặt một chậu cây trong bếp để giúp hấp thụ khí độc.

Hầu hết các cách trên đều có tác dụng giảm thiểu phần nào tác hại của khói bụi nhà bếp, và một cách hữu hiệu nhất là đeo khẩu trang chuyên dụng giúp chống khói bụi nhà bếp. Vì khẩu trang thông thường không thể lọc được vi khuẩn, vi rút, khói bụi chứa dầu và các bụi nguy hại đến sức khỏe có kích thước nhỏ hơn 2.5 μm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang