Nga bị loại khỏi SWIFT, doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng

author 19:11 02/03/2022

(VietQ.vn) - Việc Nga bị loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) được các chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khiến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế, đầu tư giữa Việt Nam và Nga gặp khó khăn, bởi lo lắng khó thu tiền từ đối tác.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).

Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và Nga. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga). Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

SWIFT giống như Facebook của hệ thống ngân hàng. Nga bị loại khỏi SWIFT thì không thể làm bất kỳ giao thương nào, trừ tiền mặt. Theo ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội/Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, về lâu dài, việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và Nga, cả từ xuất khẩu sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam, bởi doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong giao dịch thanh toán.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết, hoạt động giao dịch thương mại, chuyển và rút tiền giữa doanh nghiệp và đối tác phía Nga gặp khó khăn. Thay vì các giao dịch tiền thể hiện dưới dạng tin nhắn SWIFT, sử dụng các thẻ thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp phải thanh toán bằng một khối lượng tiền mặt lớn hay phải trả bằng vàng ròng. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng- ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Theo ông Mạc Quốc Anh, trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.

SWIFT là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo các chuyên gia, bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng. Ngoài ra, Nga có thể tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang