Ngăn chặn xử lý gần 200 sản phẩm đồ chơi bạo lực

author 09:44 01/05/2021

(VietQ.vn) - Do hám lời một người đàn ông đã thu gom đồ chơi bạo lực về bán tuy nhiên đã bị lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn kịp thời ngăn chặn.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, Đội QLTT số 8 đã phối hợp với các lực lượng chức năng dừng, kiểm tra xe ô tô BKS 34B-02338, do ông Vũ Đức Hưng điều khiển.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện bên trong xe chở 120 cây kiếm nhựa đồ chơi trẻ em và 70 hộp súng nhựa đồ chơi trẻ em, do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trị giá ước tính của số đồ chơi trên khoảng 17.800.000 đồng.

Lượng lớn đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn 

Lái xe, đồng thời là chủ hàng là ông Vũ Đức Hưng đã khai nhận, do hám lời nên đã tự mua số đồ chơi trẻ em sản xuất ngoài việt Nam trên của những người không rõ tên tuổi tại khu vực xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để bán kiếm lời. Khi mua không có hóa đơn chứng từ gì kèm theo."  Đội QLTT số 8 đã lập Hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng cho biết, đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Điều tai tại hơn, sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu...

Về việc quản lý, xử lý vấn đề này dưới góc độ pháp luật, theo Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh.

Chặn đứng lượng lớn xương chân gà, kẹo xốp không rõ nguồn gốc(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện, thu giữ 4,5 tấn xương chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ngày 18-1-2000 của Bộ Thương mại, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Cụ thể: Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc bằng lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ); Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ; Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.

Ngoài ra, các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm; Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng, trang thiết bị khác hoặc không đảm bảo an toàn cho trẻ em; Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, mục đích xấu cũng bị nghiêm cấm.

Còn theo Nghị định 167/2013, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang