Agribank cổ phần hóa chậm, 5/6 công ty con lỗ: Kiểm toán Nhà nước nói gì?

author 06:46 22/05/2019

(VietQ.vn) - Ngân hàng Agribank đầu tư tài chính không hiệu quả; cổ tức/lợi nhuận được chia năm 2017 chỉ vỏn vẹn có 12 tỉ đồng, trong khi trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Mới đây, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là một trong những đơn vị kinh doanh có lãi và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên mức 7%.

Tuy nhiên, nhà băng này vẫn tồn tại không ít hạn chế khi theo báo cáo tài chính năm 2017, Agribank đầu tư hơn 2.390 tỷ đồng vào công ty con nhưng cổ tức và lợi nhuận được chia chỉ 12 tỷ đồng, trong khi trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư.

Đặc biệt, có 5/6 công ty con lỗ lũy kế gồm: Công ty tài chính ALC I lỗ 713 tỷ đồng, Công ty ALC II lỗ 12.464 tỷ đồng (đã xong thủ tục phá sản), Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng nông nghiệp 469 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam 113 tỷ đồng, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản lỗ 6,3 tỷ đồng. Riêng khoản đầu tư 47 tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bị mua lại giá 0 đồng.

Agribank cũng bị nhắc đến trong việc phân loại nợ chưa phù hợp nên Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 hơn 1.250 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2, 3 và 5 tổng cộng hơn 1.355 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, vi phạm quy định về giới hạn góp vốn khi nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác, hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp... 

  Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2017, tuy Bộ này đã hướng dẫn rà soát đất đai, song đến nay, Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất, dẫn tới không thể cổ phần hóa đúng tiến độ quy định.

Cũng tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước nhận định việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,53%, tăng trưởng kinh tế 6,81% và tăng trưởng tín dụng 18,17%. Các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đều đạt các chỉ tiêu an toàn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt hơn 7%, kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn những thiếu sót như để tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2011-2017 ở mức gần 12% mà vẫn chưa xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ này xuống dưới 10% theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống được đánh giá không đáng tin cậy bởi một số ngân hàng đầu tư trái phiếu chéo, "cải thiện ảo" hệ số. Ngoài ra, hệ số này còn loại trừ các ngân hàng yếu kém và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Một số ngân hàng khác như Bảo Việt, Đông Nam Á, Nam Á, Đại Chúng, Việt Nam Thương Tín cũng sai phạm khi tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép với tổng dư nợ vượt gần 7.000 tỷ đồng... Tình trạng chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất và chưa thu hồi nợ tồn đọng để hoàn trả ngân sách nhà nước vẫn diễn ra.

Thảo Nguyên 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang