'Vận đen' của Agribank: Nợ xấu tăng, tài sản phát mãi khó bán
‘Ôm’ hơn 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu, Agribank liên tục rao phát mãi tài sản
9 mảnh đất 'nợ xấu' tại TP.HCM đang được Agribank rao bán giá 'khủng' hơn 300 tỷ đồng
Chuyện đấu thầu ở Agribank: In lịch Xuân hàng năm và những dấu hiệu bất thường
Ngân hàng Agribank đang gặp phải những vấn đề đau đầu như “ôm” khoản dư nợ xấu thuộc “hàng top” trong hệ thống ngân hàng, tài sản phát mãi rao đi bán lại vấn "ế".
Agribank và khoản nợ xấu ‘khủng’
Agribank hiện có số dư nợ xấu nằm trong nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng. Tính đến thời điểm 30/06/2018, tổng nợ xấu tại Agribank đạt 20.162 tỷ đồng, tăng 2.162 tỷ đồng, tương ứng 12% so với thời điểm cuối năm 2017. Phần nợ xấu chiếm 2,18% tổng dư nợ tín dụng, tăng so với con số 2.05% thời điểm cuối năm 2017 là 2,05%.
Ngân hàng Agribank đang "ôm" khoản nợ xấu hơn 20 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Con số từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Agribank cho thấy, nợ xấu tại Agribank tăng cả về tỷ lệ và số tuyệt đối. Đáng chú ý, nhiều năm nay, Agrbank là “điểm nóng” nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Năm 2017, kết quả được kiểm toán nhà nước chỉ ra đến cuối năm 2015, nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC thì Agribank có 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ, nhiều nhất hệ thống ngân hàng.
Trong hơn 2 năm qua, Agribank đã rất cố gắng và tích cực xử lý nợ xấu, song con số nợ xấu của ngân hàn này hiện nay vẫn bị đánh giá là khổng lồ, vượt xa cả vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Sacombank, MBBank, VPBank, Techcombank…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng sẽ càng lớn, bởi nợ xấu sẽ khiến các ngân hàng sử dụng vốn kém hiệu quả, giảm lợi nhuận, chịu rủi ro dòng tiền, giảm khả năng thanh toán cho các khoản thanh toán. Đặc biệt, nếu tình trạng nợ xấu diễn ra thường xuyên, liên tục và không được xử lý dứt điểm sẽ khiến các ngân hàng bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh tín dụng của mình.
Tài sản phát mãi khó bán, khó thu hồi nợ
Áp lực xử lý nợ xấu dồn lên lưng Agribank là lý do vì sao ngân hàng này đang tích cực rao bán phát mại tài sản trong thời gian gần đây.
Điều đáng nói là nhiều tài sản phải rao đi bán lại đến lần thứ 4, thậm chí 5 lần. Cụ thể, hồi đầu tháng 10, Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Agribank (Agribank AMC) thông báo bán đấu giá lần thứ 5 đối với tài sản bảo đảm là tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ 129 A - 131 - 131 A - 133 - 135 A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Còn trong tháng 9, Agribank thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất gồm Nhà máy thủy điện Đăk Mek 3 với công suất 7,5MW và máy móc thiết bị tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum). Đây là lần thứ 4 Agribank rao bán khối tài sản này. So với lần đầu chào bán hồi cuối năm ngoái, mức giá đã giảm khoảng 25%.
Trong tháng 11 này, các chi nhánh của Agribank khắp cả nước như Hà Tây, Ninh Bình, Hà Nội, Tây Ninh... cũng đồng loạt rao bán phát mãi vô số tài sản là khoản vay của các tổ chức, cá nhân.
Hiện vẫn chưa rõ kết quả của các phiên đấu giá gần nhất cũng như sắp diễn ra, song diễn biến thời gian qua cho thấy khả năng các tài sản này bán được không nhiều.
Đây thực chất cũng là vấn đề đau đầu với hàng loạt ngân hàng khác chứ không riêng gì Agribank. Tình hình xử lý nợ xấu thời gian qua cho thấy có dấu hiệu chững lại. Hàng loạt khoản nợ xấu ngàn tỷ đồng được VAMC và các ngân hàng đưa ra rao bán, song rất ít thương vụ thành công do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ. Việc ế ẩm, không bán được tài sản đảm sẽ đẩy ngân hàng đến cánh cửa khó thu hồi nợ xấu.
Theo đánh giá của Luật sư Trần Đại Phong - Công ty Luật TNHH Khang Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, điều này sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như tâm lý khách hàng. “Việc không thu hồi được nợ sẽ dẫn đến hạn chế khả năng cho vay, lãi suất bị tăng cao. Kinh doanh kém hiệu quả ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây (tiền gửi của cá nhân). Như vậy, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền”, Luật sư Phong phân tích.
Công ty con phá sản, để lại khoản nợ khổng lồ
Một vấn đề lớn khác đối với Agribank ở thời điểm hiện tại là thông tin công ty con của ngân hàng này là Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) vừa tuyên bố phá sản.
Theo Thời báo Ngân hàng, tại thời điểm phá sản, tổng nợ phải thu của ALCII là trên 15.700 tỷ đồng và gần 32.400 USD. Tổng nợ ALCII phải trả cho các chủ nợ và khách hàng là trên 10.160 tỷ đồng và hơn 8,5 triệu USD. Số dư tồn quỹ còn lại của ALCII khoảng 19 tỷ đồng (trong đó có khoảng 10 tỷ đồng ký quỹ).
Loan Hoàng