Ngân hàng rậm rịch tăng lãi suất huy động

author 10:43 30/09/2012

(VietQ.vn) - Từ đầu tháng 9, nhiều ngân hàng đã rậm rịch nâng lãi suất huy động và mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện tại đã là 13%/năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng mục tiêu ổn định lãi suất cho vay dưới 15% mà còn khiến doanh nghiệp thêm khó.

Theo ghi nhân, ngày 11/9, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND, kết thúc xu hướng giảm lãi suất diễn ra từ tháng 6. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ACB được đẩy lên mức 12,5%, kỳ hạn 24 tháng là 11,5% và kỳ hạn 36 tháng là 12%/năm.

Sau động thái của ACB, các ngân hàng (NH) thương mại khác cũng nhập cuộc. Ngày 12/9, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lên 12,8%/năm. Bên cạnh đó, khách hàng gửi tiền từ 12 đến 36 tháng sẽ được hưởng lãi suất 12% năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng nhanh chóng tăng lãi suất huy động VND lên 13%/năm. Cụ thể, lãi suất ở kỳ hạn 13 tháng tăng lên mức 12,5%/năm còn lãi suất kỳ hạn 13 tháng là 13%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện tại.

Một loạt ngân hàng khác cũng điều chỉnh lãi suất niêm yết tại một số điểm giao dịch lên xấp xỉ 13%/năm như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Đại Á,…

Theo số liệu vừa công bố tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 27/9, số dư tiền gửi tại các ngân hàng tới 20/9 tăng 11,23%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt có 2,35%.

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm các tháng cuối năm các ngân hàng lại rậm rịch tăng lãi suất huy động.
Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm, các ngân hàng lại rậm rịch tăng lãi suất huy động

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB, cho biết việc các ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra. Theo ông Toại, thời gian qua, phần lớn các khoản cho vay của ngân hàng đều là dài hạn, khiến nguồn tiền không cân đối giữa huy động và cho vay. Việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên 13%/năm chỉ tập trung ở các kỳ hạn từ 12 đến 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đây cũng là những kỳ hạn không bị khống chế trần lãi suất theo quy định hiện hành. Các kỳ hạn dài hơn vẫn ở dưới 12%/năm, riêng các kỳ hạn dưới 12 tháng vẫn tối đa là 9%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, sẽ không quá khó để các nhân viên giao dịch cho khách hàng hưởng mức 12-13%/năm ở kỳ hạn trên 12 tháng ghi trên sổ sách khi thực tế, khách muốn rút trước hạn ngân hàng vẫn cho rút với lãi suất ghi trên sổ là 9%/năm, phần lãi suất chênh lệch còn lại sẽ được chi trực tiếp bằng tiền mặt. Như vậy, bảng cân đối tài sản của các ngân hàng nhìn thì rất lành mạnh khi nguồn tiền gửi là dài hạn, ổn định nhưng bản chất lại là các khoản tiền gửi với kỳ hạn ngắn, chỉ 1, 2 tháng.

Có thể thấy, nhiều ngân hàng cùng nâng lãi suất huy động và mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện tại đã là 13%/năm. Các mức lãi suất tập trung ở các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Đây cũng là những kỳ hạn không bị khống chế trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Việc bất ngờ tăng lãi suất huy động vào chu kỳ cuối năm cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là bình thường. Bởi thực tế hàng năm cho thấy, cứ đến thời điểm này, các ngân hàng luôn gặp khó khăn về thanh khoản do nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp cũng như cá nhân tăng đột biến. Bên cạnh đó, theo lý giải của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, một số ngân hàng gặp phải sự cố đặc biệt, chưa cơ cấu lại được nguồn vốn nên gặp khó khăn thanh khoản tạm thời, phải đẩy lãi suất huy động lên cao. Trong bối cảnh cạnh tranh dữ dội hiện nay, việc một ngân hàng nâng giá buộc các ngân hàng khác cũng phải nâng theo, đó là tất yếu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc tăng lãi suất là do ngân hàng thiếu thanh khoản. Vừa qua khi giá vàng lên cao, một bộ phận người gửi vàng ở các ngân hàng rút ra để bán có thể gây căng thẳng thanh khoản cho một số ngân hàng.

Theo ông Bùi Kiến Thành, nếu hiện tượng này kéo dài sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường lãi suất cho vay, nhất là vào dịp cuối năm. Ông Thành cho rằng, khi lãi suất huy động vào khoảng 13%/năm thì các ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất khoảng 17%/năm.

Đức Thắng
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang