Ngành dệt may - da giày nỗ lực giữ chân người lao động, từng bước phục hồi sản xuất

author 07:48 10/10/2021

(VietQ.vn) - Dự báo, chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung - cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước; trong đó việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành nghề, lĩnh vực “hứng” hậu quả nặng, trong đó phải kể đến dệt may – da giày. Số liệu thống kê chỉ ra, trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam trong tháng 9/2021 ước đạt 920 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng 8/2021 và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành dệt may - da giày nỗ lực giữ chân người lao động, từng bước phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; “1 cung đường - 2 điểm đến”, “4 xanh”…. Tuy nhiên, với chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất rất lớn và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, đây chỉ là giải pháp tình thế cho một bộ phận doanh nghiệp và không thể kéo dài. “Phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng - nơi mở, nơi chặt - nơi lỏng… cũng là nguyên nhân gây ách tắc khâu vận chuyển nguyên phụ liệu và hàng hóa xuất khẩu”, ông Cẩm nói.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp phải ngừng sản xuất. Tại các địa phương miền trung và miền bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động với công suất 50-70 %, cũng do giãn cách xã hội và thiếu lao động.

Giới chuyên gia đánh giá, hiện vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp chính là việc kéo người lao động trở lại làm việc. Nhất là trong thực tế hiện nay do tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã trở về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam dự báo, chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung - cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước; trong đó việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính.

“Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay cho chủ trương “Không có Covid-19”, bà Xuân cho hay.

Liên quan đến vấn đề người lao động, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy. Vì vậy, để kéo người lao động trở lại làm việc trong giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp cần phải tiêm vaccine cho người lao động; trong đó lưu ý tăng cường cho khu vực miền Bắc và miền Trung, người lao động di cư về quê. Ngoài ra cần có thể cân nhắc nới lỏng biện pháp chống dịch, lưu thông giữa các tỉnh, cho phép người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine làm việc bình thường…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang