Ngành dệt may: Cần tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung nguyên phụ liệu

author 15:54 29/07/2022

(VietQ.vn) - Thực tế hiện nay nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may nước ta chủ yếu nhập khẩu, bởi thị trường nội địa vốn không có lợi thế về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh ngành dệt may.

Tính đến nay, Việt Nam có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, tức là doanh nghiệp, người dân đã và đang được hưởng lợi từ ưu đãi của 15 Hiệp định này. Ngoài ra, chúng ta còn 2 Hiệp định nữa chưa hoàn tất đàm phán, chưa ký, chưa thực hiện. Trong 17 FTA, có 3 hiệp định được cho là FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA).

Việc tham gia các FTA đã mở ra nhiều cơ hội đối với xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó phải kể đến ngành dệt may. Số liệu thống kê chỉ ra 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%.

Hiện nay nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may nước ta chủ yếu nhập khẩu. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng hiện nay nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may nước ta chủ yếu nhập khẩu, bởi thị trường nội địa vốn không có lợi thế về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh ngành dệt may.

Giới chuyên gia nhận định, doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành. Đặc biệt, khi doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi khi xuất nhập khẩu ở những thị trường mà Việt Nam có ký kết và tham gia FTA thì phải sử dụng nguyên phụ liệu đảm bảo yêu cầu của nước sở tại nhập khẩu hàng hóa.

Hiện nay, nhiều FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.

Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay vẫn gặp khó về nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vải, dệt nhuộm... Ngành dệt may phát triển rất nhanh, nhưng vẫn yếu khâu nguyên phụ liệu đầu vào.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI) tại Việt Nam cho biết, đối với truy xuất nguồn gốc nguyên liệu bông trong ngành dệt may là một bài toán mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nào cũng phải giải quyết khi tham gia thị trường toàn cầu.

Trên thế giới, hiện tại có nhiều chương trình phát triển bông bền vững và không ít nhãn hàng đã đưa ra yêu cầu đến năm 2030 tất cả sản phẩm của họ phải được sử dụng từ nguyên liệu bông bền vững.

Được biết, để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên phụ liệu, ngành dệt may cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...

Theo dự thảo "Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", ngành dệt may tiếp tục có cơ hội phát triển tương đối nhanh. Từ nay đến năm 2030, ngành chuyển từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững. Còn từ giai đoạn 2030-2045, ngành phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang