Nghi vấn lời khai Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường: 4 chiếc túi bóng làm gì?

author 08:01 30/10/2013

"Em cùng ông Tường đi về phía viện E để lấy xe máy và ô tô, sau đó đỗ ở trước cửa ngõ 92 Trần Cung để lấy 4 túi bóng rồi quay về 45 Giải Phóng để lấy xác bê lên xe", bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường khai nhận.

Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật


 

Trao đổi với phóng viên, đại tá, tiến sĩ Lê Việt Vùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cho biết, thông thường thi thể ném xuống sông sẽ nổi lên trong quá trình phân hủy, thời gian bao nhiêu lâu còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, cơ địa từng người nhưng thường là 4-5 ngày. 
Với trường hợp nạn nhân bị bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác, theo ông Vùng, có thể túi bóng buộc thi thể chị Huyền đã vướng vào tàu, thuyền đi trên sông và trôi ra ngoài biển chứ không còn ở loanh quanh khu vực gầm cầu Thanh Trì và tuyến sông đó. 
Với giả thiết như một số người đưa ra xác chị Huyền có thể bị ông bác sĩ buộc vật nặng nên bị vùi dưới cát, không thể nổi lên được, ông Vùng cho rằng, trường hợp này cũng có thể xảy ra nhưng trường hợp của chị Huyền ít khả năng xảy ra. 
“Có nhiều trường hợp nạn nhân vứt dưới sông không nổi được. Cũng có trường hợp, đối tượng phi tang xác đóng cọc chéo vào nhau rồi ghìm thi thể nạn nhân xuống nhưng sau vẫn nổi lên. Có trường hợp thủ phạm buộc vật nặng hoặc gìm cổ, chân, tay vào cột thì những bộ phận còn lại vẫn có thể nổi lên. Với những trường hợp này cũng khó có thể đưa ra những mốc thời gian cụ thể vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mùa đông, mùa hè, cơ địa của từng người…Nhưng liệu rằng trong trường hợp nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường có xảy ra những giả thiết trên vì nếu vật buộc kèm mà nặng qúa thì hai người kia sẽ không thể bê và ném xuống sông được còn nếu bằng hoặc nhỏ hơn trọng lượng cơ thể thì khi phân hủy vẫn có thể nổi. Theo đó, nhiều khả năng thi thể chị này đã bị vướng vào thuyền trôi ra biển” ông Vùng phân tích. 
Cũng theo ông Vùng, những ý kiến cho rằng thi thể ông bác sĩ có thể phi tang xác nạn nhân ở chỗ khác hay bằng cách khác chỉ là suy đoán, suy diễn. Cơ quan điều tra đủ nghiệp vụ để có thể thẩm định lời khai của các đối tượng chính xác hay không. Nếu có cơ sở nghi vấn địa điểm phi tang ở chỗ khác, cơ quan chức năng không để phải mất 10 ngày loay hoay, phí sức. 
Mặc dù đến thời điểm này công tác tìm kiếm xác chị Huyền vẫn khó khăn nhưng theo ông Vùng, trong trường hợp tìm đuợc cũng khó có thể dựa vào thi thể để xác định nguyên nhân chết cũng như chết trước hay sau khi bị ném vì lục phủ ngũ tạng thối rữa hết, không có hình ảnh ti thể để phân tích và đưa ra kết luận. 
Tuy nhiên, bằng các phương pháp nghiệp vụ khác, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận, xác định tội danh của đối tượng. 
“Kết quả pháp y chỉ là một cơ sở để để đưa ra kết luận về nguyên nhân chết cũng như hành vi phạm tội. Đã có nhiều trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân nhưng với nhiều cơ sở căn cứ khác cơ quan điều tra vẫn đưa ra được kết luận”, ông Vùng nói. 

 

 

 

 

Ông giám đốc khai gì?

Chiều tối 22/10, tại cơ quan điều tra, BS Nguyễn Mạnh Tường – GĐ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường khai nhận: Khoảng 12h ngày 19/10, ông ta cùng 3 nhân viên của trung tâm gồm Lê Thị Ngọc Vân (SN 1992, ở Thanh Trì, Hà Nội), Bùi Thị Hoa (SN 1990, ở Sóc Sơn, Hà Nội) và y tá Nguyễn Ngọc Thư (SN 1984, ở Đống Đa, Hà Nội), tiến hành hút mỡ, nâng ngực cho chị Huyền.

 

 

BS Tường đã dùng ống bơm kim tiêm loại 50cc, hút khoảng 11 ống bơm mỡ từ phần bụng của chị Huyền rồi dùng các ống bơm kim tiêm nói trên bơm lượng mỡ vừa hút được từ bụng chị Huyền  hai bên ngực của chị này.

Sau đó 3 nhân viên Vân, Hoa và Thư đưa chị Huyền  ra phòng ngoài nằm nghỉ.

BS Nguyễn Mạnh Tường

Khoảng 30 phút sau, chị Huyền  có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Thấy vậy, ông Tường tiêm cho chị một liều thuốc Diafegam 10mg. Sau đó chị Huyền không còn các biểu hiện nêu trên.

Đến khoảng 17h45, nhân viên trung tâm Cát Tường phát hiện chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được đã thông báo cho Tường biết.

Bác sỹ này đã hướng dẫn nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, cho chị thở ô xy.

 

 

Khi ông Tường quay về trung tâm kiểm tra thì phát hiện chị Huyền trong tình trạng sùi bọt mép, không thấy thở, mặt tím.

Lúc này ông Tường đặt ống thở và tiếp tục tiêm thuốc trợ tim, cho nạn nhân thở ô xy.

Nhận thấy chị Huyền đã rơi vào tình trạng chết lâm sàng, ông ta tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu, nhưng chị này đã tử vong.

 

 

BS này đã mang xác chị Huyền  đưa ra ô tô BKS 29A-488.81 rồi nhờ Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ) mang đồ đạc tài sản của chị Huyền gồm 1 xe máy Lead, điện thoại, túi xách, giấy tờ tùy thân, mang đi vứt ở khu vực đường Cổ Linh thuộc địa bàn phường Thạch Bàn.

Tiếp đó Khánh lên ô tô do Tường điều khiển, chở xác nạn nhân quay lại cầu Thanh Trì, vứt xác xuống sông Hồng.

Lời khai nhân viên bảo vệ

Tối 22/10, tại cơ quan công an, với một bên mặt bị xước vì mới gặp tai nạn, Đào Quang Khánh (SN 1996, ở Hàng Bài, Hà Nội) khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Cậu trai 17 tuổi tỏ ra sợ sệt.

- Em với ông Tường đưa nạn nhân lên ô tô như thế nào?

- Em với cả anh Tường khiêng ạ!

- Khiêng ra ô tô xong đi theo hướng nào?

- Đi theo hướng đường Bưởi, xong rồi lên cầu Vĩnh Tuy, rồi đi sang địa phận Thạch Bàn và đi ra cầu Thanh Trì.

- Xong vứt xác nạn nhân thế nào?

 

 

- Vứt ở giữa cầu Thanh Trì ạ.

- Em không nghĩ em sẽ bị phát hiện à?

- Em cũng không biết được. Ông ấy bảo tăng lương thì em cứ đi làm thôi.

Đối tượng Đào Quang Khánh

- Chở xác là xe ô tô cá nhân đúng không? Không phải xe bệnh viện?

- Đúng rồi ạ.

- Em có thể kể lại việc vứt xác nạn nhân?

 

 

- Em cùng ông Tường đi về phía viện E để lấy xe máy và ô tô, sau đó đỗ ở trước cửa ngõ 92 Trần Cung để lấy 4 túi bóng rồi quay về 45 Giải Phóng để lấy xác bê lên xe. Tiếp đó tới cuối cầu Vĩnh Tuy, khu vực Thạch Bàn để vứt cái xe máy rồi tiếp tục đi lên cầu Thanh Trì. Em đứng ở bên đường.

- Làm việc đó em không sợ à?

- Em chỉ bê ra xe.

- Thế không phải cùng khiêng xác vứt xuống sông Hồng? Một mình ông ấy làm sao khiêng được?

- Ông ấy kéo lê nạn nhân ra đến lan can mà.

 

 

- Lúc ông ấy vứt xác xuống sông em đứng ở đâu?

- Em đứng ở bên cạnh nhìn mọi người.

- Em canh chừng chứ gì?

- Vâng.

- Ông giám đốc nói thế nào để em đi vứt xác cùng?

- Thì mới đầu, từ 45 Giải Phóng, ông ấy bảo đi cấp cứu. Em tưởng tai nạn thì đưa đi cấp cứu thôi. Đi đến Thạch Bàn vứt cái xe máy rồi đi đến cầu Thanh Trì thì em mới biết là chị ấy chết rồi.

 

 

- Em học đến lớp mấy?

- Em học đến lớp 9.

- Em thử việc được bao lâu?

- Em thử việc mới được 1 tháng.

- Làm ở trung tâm thẩm mỹ với mức lương bao nhiêu tiền/tháng?

- 4 triệu đồng.

- Ông ấy hứa em giúp ông ấy thì sẽ được trả thêm 100% lương?

- Vâng, là thành 8 triệu đồng.

Ngoài BS Tường và đối tượng Đào Quang Khánh, cơ quan công an còn triệu tập thêm 10 người liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.

 

 

Thay đổi phương pháp tìm kiếm

 

Chiều tối 29.10, trao đổi với PV  thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TP.Hà Nội), cho biết tới thời điểm hiện tại, thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở số 36 Hàng Thiếc, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), nạn nhân bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xuống sông Hồng, vẫn chưa được tìm thấy.
Theo thượng tá Cương, trong các ngày từ 26 đến 29.10, người dân thuyền chài cũng như các hộ dân sống dọc hai bờ sông Hồng đã phát hiện được một số thi thể trôi sông và thông tin ngay tới cơ quan chức năng cũng như người nhà chị Huyền. Tuy nhiên, qua xác minh, các thi thể này đều không phải là nạn nhân Huyền.
Thượng tá Cương cho biết thêm, hiện đã là ngày thứ 10 kể từ khi chị Huyền bị vứt xuống sông Hồng. Mặc dù còn rất ít hy vọng, nhưng các tổ, chốt vẫn liên tục tìm kiếm cả ngày lẫn đêm. Hiện lực lượng tìm kiếm đang áp dụng phương pháp lưới móc chùm để rà kiếm thi thể.
Trong khi đó, ngày 29.10, nhiều người dân đã thông tin về việc phát hiện một thi thể nữ nổi ở khu vực cầu Yên Lệnh (nối hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên). Cơ quan chức năng đã khẩn trương có mặt, xác minh, nhưng rốt cuộc cũng không phải là thi thể của chị Huyền.
Cũng trong ngày 29.10, gia đình nạn nhân cho hay nhóm tìm kiếm thi thể (được gia đình thuê) vẫn tích cực rà soát dọc sông Hồng.
Ngày 29/10, bên lề phiên họp tổ của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, trao đổi với báo chí về kết quả điều tra ban đầu về vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, ĐBQH, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: "Công an Hà Nội vẫn đang tích cực truy tìm xác của nạn nhân. Ngoài cách mò xác (chúng tôi thuê 10 thợ lặn dọc đến Yên Lệnh để tìm xác) thì còn thả câu".
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, theo khoa học kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối nước thông thường thì 5 – 7 ngày xác sẽ nổi lên, tùy vào điều kiện thời tiết.
Nhưng những trường hợp chết rồi mới bị ném xuống nước, tổng kết của khoa học kỹ thuật hình sự cho thấy, phải từ 18 – 25 ngày sau, thi thể mới nổi. 
 
Trong khi dư luận xôn xao sợ không tìm thấy xác của chị Huyền, ông Chung khẳng định: "Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Chúng tôi quyết tâm là phải tìm thấy xác nạn nhân".
Gia đình nạn nhân nói gì?
Trước những thông tin trái chiều về nghi vấn lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường không trung thực, anh Huy và toàn gia đã đặt nghi vấn: Với khả năng của mình, rất có thể Tường đã chặt xác chị Huyền ra nhiều khúc rồi chèn đá vào đó để thi thể không thể nổi lên được (?!).
Nghi vấn càng được tăng lên khi việc tìm kiếm chị Huyền với tất cả các biện pháp của gia đình và các cơ quan chức năng, lay động nhân tâm, rung cảm cả thế giới tâm linh nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa cho kết quả.
Trong quá trình điều tra về vụ việc, PV  đã tiếp cận được một thông tin phải nói là thực sự sốc về nghề thợ lặn vớt xác nạn nhân.
Theo một số thợ lặn làng Chèm, trong nghề thợ lặn cũng xuất hiện những kẻ cơ hội sẵn sàng làm việc trái với lương tâm là giấu xác nạn nhân dưới đáy sông để kéo dài thời gian trục lợi bất chính...; như trường hợp tìm xác một cô gái trẻ - người tình một đại gia - tự tử trên cầu Thanh Trì, có nhóm thợ lặn đã thu về 2 tỉ đồng… 
Những ngày qua, từ việc có nhiều "nhà ngoại cảm" rởm định "tranh thủ" kiếm chác trên nỗi đau của gia đình, nên cũng không ít người hoài nghi việc có thể có những thợ lặn vì tiền mà trục lợi.
Tuy nhiên, nhóm thợ này cũng cho biết, tất cả các thợ lặn tham gia vụ việc này đều rất bức xúc với hành vi dã man của bác sĩ Tường, nên đều tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để mong sớm tìm thấy chị Huyền.
Xem xét trách nhiệm cá nhân
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng cho rằng, vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường là sự việc rất đáng tiếc trên địa bàn và nằm ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Theo ông Hiếu, trách nhiệm trước tiên thuộc về người trực tiếp vi phạm và để xảy ra hậu quả. Ngành cũng có trách nhiệm từ trên xuống dưới, đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn. Quận cũng có trách nhiệm trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát.
 
“Quan điểm của chúng tôi là không đổi lỗi cho nhau. Theo tôi phận sự, trách nhiệm của đơn vị nào thì hãy nghiêm túc nhìn nhận ra lỗi của mình. Vì vậy, chúng tôi thấy cũng có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Theo ông Hiếu, quận Hai Bà Trưng đang nghiêm túc xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, nhất là phường. Trên cơ sở đó sẽ xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân để có hình thức xử lý tương xứng.
Sau vụ việc đáng tiếc này, ông Hiếu cho biết, quận Hai Bà Trưng sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát, nhắc nhở toàn bộ cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn mà trọng điểm là tuyến đường Giải Phóng.
“Chúng tôi không đùn đẩy trách nhiệm hay đổ lỗi cho ai, nhưng cũng phải chia sẻ vì trên địa bàn quận có trên 500 cơ sở hành nghề y dược tư nhân trong khi đó cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này rất ít nên khó có thể bao quát, kiểm tra hết cùng lúc được”, Chủ tịch quận Hai Bà Trưng nói.
Ông Hiếu cho biết, quận đang yêu cầu phòng Y tế và phường Đồng Tâm kiểm điểm trách nhiệm vì không làm tròn vài trò quản lý ngành cũng như quản lý nhà nước trên địa bàn.
Ông Cáp Sỹ Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - trực tiếp quản lý lĩnh vực này cho biết, sự việc đã được kết luận trách nhiệm chung trong đó có cả Bộ Y tế, thành phố, quận và sở ngành. “Ngoài việc kiểm điểm các cấp ngành, hiện nay chúng tôi tập trung khắp phục hậu quả và đẩy mạnh việc thanh tra các cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn”, ông Cáp Sỹ Phong nói.

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

PV (theo VNN-TN-DV-LD-DT-DSPL)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang