Nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp nhờ công nghệ sinh học

author 12:21 21/12/2021

(VietQ.vn) - Nhờ thành quả từ chương trình nghiên cứu trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, ngành lâm nghiệp những năm qua có sự phát triển vượt bậc.

Trong những năm gần đây, việc nhân nhanh giống cây trồng có phẩm chất di truyền tốt bằng công nghệ mô hom đang được ứng dụng ngày càng nhiều cho cây lâm nghiệp. Nhận thức được nghĩa to lớn của công nghệ này đối với sản xuất giống cây lâm nghiệp có phẩm chất tốt, đầu tư xây dựng cơ sở nhân giống bằng nuôi cấy mô, giâm hom và sử dụng chỉ thị phân tử vào cải thiện giống cây rừng.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học, nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất và chất lượng cao, cũng như nhân nhanh các giống mới vào sản xuất đã được tạo ra. Do đó, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, trong đó có ngành lâm nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Hiện nay, các nghiên cứu về công nghệ sinh học của Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp được định hướng theo 3 hướng chính. Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nhân giống cho các giống mới được chọn tạo phục vụ cho công tác chuyển giao kỹ thuật nhân giống cùng giống gốc cho các đơn vị nghiên cứu và sản xuất giống.

 Sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: IFTIB.

Hướng nghiên cứu thứ 2 là sử dụng chỉ thị phân tử trong nghiên cứu chọn giống có năng suất, chất lượng cao và cuối cùng là chọn tạo giống mới bằng tạo đột biến và công nghệ gen, và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, Viện đã nghiên cứu, xây dựng thành công các quy trình nhân giống cho gần 30 giống keo lai, keo lá tràm, bạch đàn và bạch đàn lai, đã chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất. Cụ thể tại Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Bình Định. Khoảng 30 triệu cây giống bạch đàn, keo bằng công nghệ mô đã được cung cấp ra thị trường.

Về lĩnh vực vi sinh, đã nghiên cứu thành công 4 loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ chức năng phục hồi, ổn định và nâng cao độ phì của đất trồng góp phần tăng khả năng giữ nước ở vùng đất trồng cây lâm nghiệp, phân giải chất hữu cơ để giảm nguy cơ cháy rừng, nổi bật là 2 chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dùng cho thông (MF1) và bạch đàn (MF2).

Nghiên cứu phân lập một số gen quý hiếm liên quan đến chất lượng gỗ, chống chịu sâu bệnh hại, chịu hạn, chịu mặn ở các loài cây đặc hữu Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu chọn tạo giống mới. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng thư viên mã vạch di truyền (DNA barcode) cho các loài cây quý hiếm, bị đe dọa ở Việt Nam. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để tạo ra các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao.

Hoàn thiện quy trình vi nhân giống quy mô công nghiệp cho các giống mới keo, bạch đàn và một số loài cây bản địa, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, diện tích gây trồng lớn và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất. Nghiên cứu phát triển hoặc nhận chuyển giao từ nước ngoài công nghệ vi nhân giống cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất và hạ giá thành cây giống.

Với định hướng ứng dụng công nghệ vi sinh trong lâm nghiệp, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật tăng cường phân giải lân, cố định đạm và phục hồi hệ vi sinh vật, độ phì đất rừng, vi sinh vật phân hủy vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng, vật liệu cháy dưới tán rừng.

Ngoài ra, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học, chế phẩm sinh học nội sinh để kích kháng, phòng trừ sâu, bệnh hại, tăng năng suất rừng trồng cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Trong thời gian tới, ngoài việc triển khai các nghiên cứu chọn tạo giống theo phương pháp truyền thống dựa trên các biến dị tự nhiên, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có việc sử dụng các chỉ thị phân tử, kỹ thuật chuyển gen, chỉnh sửa gen sẽ là một trong những hướng nghiên cứu đột phá và được chú trọng phát triển. Từ đó, nâng cao vai trò và tỷ lệ đóng góp của công nghệ sinh học trong các chương trình chọn giống cây rừng.

Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang