'Người bị bức cung nhục hình khi được thả rất e sợ'

author 08:06 06/06/2015

Đó là nội dung ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phát biểu thảo luận tại hội trường về vấn đề giám sát oan sai, bồi thường oan sai.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về vấn đề giám sát oan sai và bồi thường án oan sai. Có nhiều ý kiến khác nhau quanh vấn đề oan sai. Nhưng đa số các đại biểu đều cho rằng oan sai dù nhỏ cũng có tác động rất lớn đến tình hình an ninh trật tự xã hội và uy tín của các cơ quan tư pháp. Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu TP. HCM) đã chỉ rõ những nguyên nhân gây ra oan sai.

Ông Nghĩa cho rằng báo cáo đánh giá khá đầy đủ tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá phía cơ quan tố tụng có hạn chế về nguồn thông tin. Theo ông, chống oan sai cần có giải pháp căn cơ, nâng cao mức sống của người dân. Nâng cao năng lực đạo đức của các cơ quan tiến hành tố tụng, hoàn thiện luật pháp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ: "Tình hình oan sai hiện nay theo tôi nổi lên vấn đề, hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai, giống như lỗi của hệ thống báo cháy”.

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, oan sai thấy được chỉ như phần nổi của tảng băng. Người bị bức cung nhục hình khi được tha rất e sợ, thậm chí buộc phải cam kết là không khiếu nại. Nhiều luật sư phản ánh, bị can bị cáo bị bức cung nhục hình tương tự như những vụ bị phát hiện diễn ra không cá biệt.

Hệ thống kiểm tra chéo các cơ quan hiệu lực không cao. Có tình trạng nể nang nhau. Tình trạng 3 ngành đồng tình bằng cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố xét xử khiến cho việc điều tra, tranh tụng đôi lúc vô hiệu.

Tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, dấu ấn của tư duy "địch - ta”.

Tồn tại tình trạng trọng cung hơn trọng chứng, lấy cung thay cho chứng, bị cáo đã nhận rồi có thể kết thúc vụ án, không cần đầu tư, thu thập chứng cứ nữa. Vụ án Hồ Duy Hải là điển hình, tội phạm diễn ra trong đêm, sáng ra lập biên bản, hiện trường còn nguyên, vật chứng còn nguyên, nhưng đến khi xét xử thì vật chứng quan trọng mất, thay thế giám định dấu tay thì không có dấu tay của bị cáo.

Ông Nghĩa cũng chỉ rõ, khi xét xử thì chủ yếu dựa vào bản cung và lời khai của nhân chứng. Cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm đến mức bất chấp quyền hợp pháp của họ, lạm dụng nhục hình, cho nhục hình mức độ nào đó là cần thiết, các nước phát triển cũng có, từ đó làm ngơ, bao che vi phạm.

Theo ông Nghĩa, tình trạng cản trở hạn chế quyền bào chữa người bào chữa còn diễn ra thường xuyên ở nhiều tỉnh thành, ta chỉ cho phát triển nghề luật sư từ 1987. Luật sư Việt Nam tính trên đầu người rất thấp. Luật sư sống bằng phí luật sư. Phí bào chữa vụ án hình sự bị nhà nước khống chế mức trần, không chỉ khống chế vụ án chỉ định mà còn khống chế tất cả các vụ án hình sự. Lẽ ra phải để luật sư thu của người giàu để bù cho người nghèo. Việc này đã kiến nghị nhưng Chính phủ chưa chấp nhận. Một giờ trong vụ án hình sự chỉ được khống chế mấy trăm ngàn. Nhiều bị can bị cáo nghèo, luật sư chỉ thu phí tượng trưng hoặc miễn phí, đã vậy còn bị cản trở làm cho nhiều luật sư mất tinh thần.

Phổ biến, không phải chiếm đa số, không phải là bức tranh chủ đạo nhưng lại không phải là quá cá biệt đến mức ta phải xem nhẹ, tác động của những oan sai đó rất lớn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị các giải pháp sau: "Cần kết hợp giải pháp lâu dài lẫn cấp thiết. Trước hết sửa ngay Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về điều tra, giam giữ theo tinh thần cải cách tư pháp, Hiến pháp 2013. Tôi cho rằng Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã cơ bản thể hiện quyền con người theo Hiến pháp 2013.  Có ý kiến cho rằng oan sai là do con người, còn luật thì đã ổn không cần sửa nhiều, tôi không đồng tình với ý kiến này. Bởi vì Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề oan sai vừa qua mà còn thể hiện đổi mới mô hình tố tụng, từng bước nâng cao thể chế chính trị theo tinh thần đổi mới của Đảng và Hiến pháp 2013".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tán thành việc ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai để tránh bức cung, nhục hình, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp cản trở quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.

Theo Infonet


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang